Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 hỗ trợ người lao động gặp khó khăn vì Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Vậy, người đang nghỉ thai sản thì có được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không?
Nghỉ thai sản có thuộc đối tượng được hỗ trợ từ Quỹ BHTN?
Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Mục II Nghị quyết 116, đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là:
- Người lao động đang đóng BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021.
- Người lao động đã dừng đóng BHTN do chấm dứt hợp đồng trong thời gian từ 01/01/2020 - 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu.
Trong khi đó, theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), lao động nữ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh con trong thời gian 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ người con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người lao động nữ này sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.
Về việc đóng bảo hiểm của lao động nữ nghỉ thai sản, khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội nêu rõ:
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, đây lại không phải thời gian được tính đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể:
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Như vậy, từ các quy định trên đây, lao động nữ nghỉ thai sản từ 14 ngày trở lên thì vẫn được tính là thời gian đóng BHXH nhưng không được tính là thời gian đóng BHTN. Do đó, tại thời điểm 30/9/2021, lao động nữ đang nghỉ thai sản (từ 14 ngày trở lên) thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ Nghị quyết 116.
Đi làm sớm khi thai sản có được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 116?
Lao động nữ ngoài việc nghỉ đủ thời gian thai sản thì còn có thể lựa chọn việc đi làm sớm nếu đã nghỉ thai sản ít nhất 04 tháng, đã báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về việc đi làm sớm không ảnh hưởng sức khỏe.
Đồng thời, căn cứ điểm 6.3 khoản 6 Điều 42 Quyết định 595, lao động nữ đi làm trước khi hết hạn nghỉ thai sản thì từ khi đi làm lại (khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản), lao động nữ và đơn vị sử dụng lao động phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN…
Như vậy, nếu lao động nữ đi làm sớm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản sẽ thuộc trường hợp tham gia đóng BHTN kể từ khi đi làm lại. Đồng thời, nếu tại thời điểm 30/9/2021, người đi làm sớm trong khi nghỉ thai sản mà đang tham gia BHTN sẽ thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116.
Xem thêm: Cần biết 4 điều sau đây khi đi làm sớm sau thai sản
Nói tóm lại:
- Tại thời điểm 30/9/2021, lao động nữ đang nghỉ thai sản khi sinh con sẽ không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116.
- Đi làm sớm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản thì lao động nữ nghỉ thai sản có thể được hưởng nếu tại thời điểm 30/9/2021 đang tham gia BHTN.
Trên đây là quy định về việc đang nghỉ thai sản có được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116 như thế nào?