Nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào? Nghỉ sớm quá có sao không?

Nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào thì được hưởng trọn chế độ thai sản? Nghỉ sớm quá có ảnh hưởng đến tiền bảo hiểm không? Tất cả sẽ được LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.


1. Điều kiện để được nghỉ thai sản 6 tháng là gì?

Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi sinh con sẽ có cơ hội được nghỉ làm hưởng chế độ thai sản trong thời gian 06 tháng.

Để được nghỉ thai sản 06 tháng, lao động nữ phải đáp ứng đủ các điều kiện được nêu tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

- Trường hợp mang thai và sinh con thông thường:

Chỉ cần đảm bảo đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.

- Trường hợp thai yếu mà trước đó phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ:

Phải đảm bảo có đủ 02 điều kiện:

  • Đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.

Lưu ý: Ngay cả khi đã nghỉ việc trước khi sinh con, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản 06 tháng nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Nghỉ thai sản 06 tháng cần điều kiện gì? (Ảnh minh họa)

2. Nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào?

Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định rằng, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Thực tế chu kỳ mang thai của phụ nữ thường kéo dài khoảng 09 tháng 10 ngày. Do đó, mốc thời gian 02 tháng trước sinh con sẽ rơi vào thời điểm thai được khoảng 07 tháng 10 ngày.

Căn cứ vào đó, có thể xác định thời điểm nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu vào khoảng thời gian lao động nữ mang thai được 07 tháng 10 ngày.

Dựa vào ngày dự sinh, lao động nữ hoàn toàn có thể dễ dàng tính toán được thời điểm thai hơn 07 tháng để xin nghỉ thai sản trước sinh mà vẫn hưởng trọn chế độ thai sản.

Dẫu vậy, nếu có đủ sức khỏe để làm việc trước khi sinh con, lao động nữ hoàn toàn có thể đi làm đến sát ngày dự sinh để sau này có thêm nhiều thời gian chăm sóc con nhỏ.

Nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào? (Ảnh minh họa)

3. Nghỉ thai sản sớm hơn 2 tháng có được tiền bảo hiểm không?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ chỉ được tính hưởng chế độ thai sản cho thời gian nghỉ trước sinh tối đa 02 tháng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà một số người lao lại muốn nghỉ trước sinh dài hơn 02 tháng. Việc nghỉ thai sản sớm hơn 02 tháng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chế độ thai sản.

- Thứ nhất, việc nghỉ thai sản sớm hơn 02 tháng có thể khiến người lao động không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Theo khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, khi người lao động nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong 01 tháng thì tháng đó sẽ không được đóng bảo hiểm.

Trong khi đó, người lao động cần tích lũy đủ 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (hoặc 03 tháng nếu thời gian mang thai từng nghỉ thai yếu) thì mới được giải quyết hưởng chế độ thai sản.

Nghỉ thai sản quá sớm có thể khiến cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội tích lũy trước sinh không đủ để hưởng thai sản.

- Thứ hai, dù đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, lao động nữ cũng chỉ được thanh toán tiền chế độ cho thời gian nghỉ trước sinh 02 tháng.

Do chỉ tính chế độ thai sản cho thời gian trước sinh tối đa 02 tháng nên thời gian nghỉ trước sinh dài hơn 02 tháng sẽ không được thanh toán tiền chế độ.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ thai sản 6 tháng bắt đầu từ khi nào?” Nếu còn thắc mắc về chế độ thai sản, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ sớm nhất.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?