Người lao động có quyền nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi quy định nhưng sẽ gặp phải một số bất lợi nhất định.
1. Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi chặt chẽ hơn
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã sửa đổi một số quy định về nghỉ hưu tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Theo đó, với người nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2022 phải đáp ứng các điều kiện gồm:
- Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;
- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, tức là nam phải đủ 55 tuổi 06 tháng, nữ phải đủ 50 tuổi 08 tháng (năm 2021 chỉ cần nam đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ đủ 50 tuổi 04 tháng) và bị suy giảm khả năng lao động lao động từ 61% trở lên; hoặc
- Có tuổi thấp hơn 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, tức là nam phải đủ 50 tuổi 06 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 08 tháng (trước đây nam chỉ cần đủ 50 tuổi 03 tháng, nữ đủ 45 tuổi 04 tháng) và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên…
Từ căn cứ trên có thể thấy, từ năm 2022, người nghỉ hưu trước tuổi phải đáp ứng yêu cầu về tuổi cao hơn so với quy định trước đây.
2. Khi nghỉ hưu trước tuổi, tiền lương hưu bị giảm trừ
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi nghỉ hưu trước tuổi người lao động sẽ nhận được khoản tiền lương thấp hơn so với trường hợp nghỉ hưu khi đủ tuổi.
Tuy nhiên, từ năm 2022, có thể người lao động sẽ tiếp tục giảm trừ tỷ lệ tiền lương hưu nếu nghỉ hưu sớm.
Đây là tinh thần của điểm 6 mục III Nghị quyết 28/NQ-TW của Ban Chấp hành trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội:
Sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.
Trên đây là 02 thiệt thòi của người lao động khi nghỉ hưu trước tuổi.