Nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ: 5 thắc mắc thường gặp

Khi mang thai, do sức khỏe yếu nên nhiều lao động nữ đã buộc phải tạm nghỉ việc để dưỡng thai. Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc phổ biến về trường hợp phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ.


1. Thời gian tối đa được chỉ định nghỉ dưỡng thai là bao lâu?

Theo khoản 3 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT, việc chứng nhận nghỉ dưỡng thai đối với lao động nữ mang thai sẽ thể hiện qua các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai: Lao động nữ đã nghỉ việc điều trị ngoại trú.

Thời hạn của giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai được căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày/lần cấp.

- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH): Lao động nữ mang thai đang đóng BHXH bắt buộc điều trị ngoại trú.

Số ngày nghỉ trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày/lần cấp.

- Biên bản giám định y khoa: Trường hợp phải giám định để nghỉ dưỡng thai.

Thời hạn nghỉ dưỡng thai thực hiện theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa nhưng tối đa không quá 30 ngày/lần cấp.

- Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án: Lao động nữ phải điều trị nội trú.

Tại phần ghi chú của giấy ra viện: Nếu lao động nữ cần nghỉ để dưỡng thai thì bác sĩ trưởng khoa điều trị ghi thêm số ngày nghỉ lên đến 30 ngày và phải ghi rõ là “để dưỡng thai”.

Tuy nhiên, khoản 5 Điều 18 Thông tư này lại quy định:

Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Từ những căn cứ trên, có thể thấy, pháp luật không giới hạn thời gian nghỉ dưỡng thai tối đa đối với lao động nữ. Tuy nhiên, nếu muốn nghỉ lâu dài, lao động nữ vẫn phải tiến hành tái khám để được xem xét tiếp tục nghỉ dưỡng thai.


2. Nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ có phải viết giấy xin nghỉ?

Hiện nay, tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật BHXH năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào quy định lao động nữ nghỉ dưỡng thai phải viết đơn xin nghỉ gửi cho người sử dụng lao động.

Trường hợp nghỉ không xin phép, người lao động vẫn được tính là nghỉ có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.

Tuy nhiên, việc không thông báo cho doanh nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc mà người lao động đang phụ trách. Không những vậy, người lao động còn có thể bị doanh nghiệp đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, trước khi nghỉ, lao động nữ vẫn nên gửi đơn xin phép cho người sử dụng lao động.


3. Nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ có được hưởng thai sản?

Trong khi các trường hợp thông thường, lao động nữ muốn hưởng chế độ thai sản thì phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh nhưng với trường hợp mang thai mà phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, điều kiện hưởng chế độ thai sản dễ dàng hơn rất nhiều.

Cụ thể, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định:

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo đó, lao động nữ nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ hoàn toàn có quyền hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau:

- Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên.

- Đóng BHXH từ đủ 03 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.

Xem thêm: Mức hưởng chế độ thai sản mới nhất


4. Nghỉ dưỡng thai có được hưởng chế độ ốm đau không?

Theo khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động.

- Phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

- Không thuộc trường hợp tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

Theo đó, người lao động nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, tức có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh khi gặp vấn đề về sức khỏe cũng có quyền hưởng chế độ ốm đau.

Thời gian tính hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp này sẽ được căn cứ vào giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai theo quy định.

Đặc biệt, với các bệnh lý thai được quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT như đái tháo đường thai kỳ, rỉ ối có điều trị để làm chậm chuyển dạ, tiền sản giật thể trung bình hoặc nặng,… lao động nữ còn được xem xét hưởng chế độ ốm đau dài ngày.

Xem thêm: Nghỉ dưỡng thai hưởng chế độ ốm đau thế nào?

nghi-duong-thai-theo-chi-dinh-cua-bac-si-1
Nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ có được tiền bảo hiểm? (Ảnh minh họa)


5. Nghỉ dưỡng thai có bị công ty cho thôi việc?

Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ:

Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo đó, công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang mang thai. Nói cách khác, người lao động nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ không thể bị công ty cho thôi việc.

Nếu tự ý cho người lao động này nghỉ việc, công ty sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi đó, công ty buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền nhất định.

Xem thêm: Mức bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ trái luật

Mặc dù công ty không thể đuổi việc nhưng các bên có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng hoặc người lao động cũng có thể chủ động đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019.

Trên đây là các thắc mắc phổ biến liên quan đến trường hợp nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ. Nếu vẫn còn thắc mắc, bạn đọc bấm gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

>> Chế độ thai sản: Quyền lợi cần biết khi sinh con
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục