Không đủ sức khỏe đi làm, người lao động muốn nghỉ dưỡng thai cần giấy tờ gì để chứng minh và nộp lại cho công ty để hưởng chế độ bảo hiểm? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
1. Nghỉ dưỡng thai có được thanh toán bảo hiểm xã hội?
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động nghỉ dưỡng thai không được hưởng chế độ thai sản.
Hiện nay, chế độ thai sản chỉ giải quyết 02 quyền lợi bảo hiểm cho lao động nữ mang thai cần nghỉ làm để đi khám thai hoặc khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Tuy nhiên, thay vì hưởng chế độ thai sản, người lao động nghỉ dưỡng thai có thể hưởng bảo hiểm theo chế độ ốm đau.
Bởi theo khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động bị ốm đau (không phải do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy) mà phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh thì sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau.
Do đó, nếu có giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về việc cần phải nghỉ làm để dưỡng thai, người lao động sẽ được thanh toán chế độ ốm đau.
2. Nghỉ dưỡng thai cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm?
Theo hướng dẫn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH, để được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, người lao động cần có một trong các giấy tờ sau đây:
- Trường hợp dưỡng thai cần điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
- Trường hợp dưỡng thai chỉ cần điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.Đây cũng là căn cứ quan trọng chứng minh người lao động từng nghỉ dưỡng thai để sau nay hưởng điều kiện thai sản có lợi hơn.
Cụ thể, người lao động trước đó từng nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ chỉ cần đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên và tích lũy từ đủ 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con thì được nghỉ hưởng chế độ thai sản 06 tháng.
Người lao động sau khi hết thời gian nghỉ dưỡng thai và trở lại làm việc phải nộp lại giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho công ty để họ hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục nhận tiền chế độ ốm đau. Thời hạn nộp là 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc (theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội).
Tiền chế độ ốm đau được trả về cho người lao động theo hình thức đã đăng ký, phổ biến nhất là trả tiền mặt thông qua doanh nghiệp hoặc nhận chuyển khoản về tài khoản ngân hàng của người lao động.
3. Xin giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai ở đâu cho chuẩn?
Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai hợp lệ phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT. Theo đó, nếu mang thai mà gặp vấn đề về sức khỏe cần phải nghỉ dưỡng thai, người lao động cần đến các địa điểm hoặc cá nhân sau đây để xin giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai:
- Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản hoặc bệnh viện chuyên khoa phụ sản đã được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.
- Bệnh viện đa khoa đã được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và Hội đồng Giám định y khoa.
- Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh được ký giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa và bệnh lý toàn thân theo phân công của cơ sở khám, chữa bệnh.
Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai được cấp bởi các cơ sở khám, chữa bệnh hoặc cá nhân khác không thuộc quy định nêu trên sẽ không được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ hưởng.
Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai được xác định thời hạn dựa trên chỉ định riêng của bác sĩ dựa căn cứ vào khỏe của thai phụ nhưng tối đa không quá 30 ngày nghỉ.
Trường hợp người lao động muốn nghỉ dưỡng thai dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết hạn, lao động nữ phải tiến hành tái khám để được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai mới (theo khoản 5 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT).
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ dưỡng thai cần giấy tờ gì?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ sớm nhất.