Hướng dẫn cách tính mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày

Khi mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, ngoài số ngày nghỉ, người lao động cũng rất quan tâm đến mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian điều trị ốm đau. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách tính mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày.


Điều kiện hưởng chế độ ốm đau dài ngày là gì?

Theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật BHXH năm 2014, người lao động sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau dài ngày nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1 - Đang đóng BHXH bắt buộc thuộc một trong các đối tượng sau:

- Người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên.

- Cán bộ, công chức, viên chức.

- Công nhân quốc phòng, công an; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ hoặc chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

2 - Bị ốm đau, tai nạn (không phải là tai nạn lao động) phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

3 - Mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế quy định.

Xem chi tiết danh mục các bệnh dài ngày tại đây.

4 - Không thuộc trường hợp do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy. 

muc huong che do om dau dai ngay


Hướng dẫn cách tính mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày

Hiện nay, mức hưởng chế độ ốm đau đang được quy định tại Điều 28 Luật BHXH năm 2014. Và để người lao động có thể dễ dàng tự tính số tiền BHXH mà mình được nhận, Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được sửa bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã đưa ra công thức tính chế độ ốm đau dài ngày như sau:

* Đối với những tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau trọn tháng:

Mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày

=

Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ

x

75% hoặc 65% hoặc 55% hoặc 50%

x

Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

(Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ của tháng đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề)

* Đối với tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn tháng:

Mức hưởng của những ngày nghỉ không trọn tháng

=

Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

:

24

x

75% hoặc 65% hoặc 55% hoặc 50%

x

Số ngày nghỉ

(Mức hưởng của những ngày nghỉ không trọn tháng không vượt quá mức trợ cấp ốm đau một tháng)

Trong đó:

- Tỷ lệ 75% hoặc 65% hoặc 55% hoặc 50% lần lượt được áp dụng cho các trường hợp sau:

+ 75%: Tính cho thời gian 180 ngày nghỉ đầu.

+ 65%: Tính cho trường hợp đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên, đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị.

+ 55%: Tính cho trường hợp đóng BHXH đủ 15 năm đến dưới 30 năm, đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị.

+ 50%: Tính cho trường hợp đóng BHXH dưới 15 năm, đã nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị.

- Thời gian nghỉ chế độ ốm đau dài ngày được xác định như sau:

+ 180 ngày/năm (tính theo ngày bình thường, bao gồm cả nghỉ lễ, Tết và nghỉ hằng tuần).

+ Hết 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị thì được tiếp tục nghỉ hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn với thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Xem thêm: Nghỉ ốm dài ngày tối đa là bao nhiêu ngày?

Ví dụ minh họa:

Chị A đang tham gia BHXH bắt buộc với mức lương đóng BHXH hằng tháng là 08 triệu đồng/tháng. Chị A bị ốm đau phải nghỉ việc do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 20/02/2022 đến ngày 25/5/2022.

- Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của chị A được tính là 03 tháng.

- Số ngày lẻ không trọn tháng của chị A là 06 ngày (từ ngày 20/02 đến ngày 25/5/2022).

- Do thời gian nghỉ dưới 180 ngày nên toàn bộ thời gian nghỉ chế độ ốm đau của chị A sẽ được tính hưởng tỷ lệ 75%.

- Mức hưởng chế độ ốm đau của chị A được tính như sau:

+ Mức hưởng chế độ ốm đau của 03 tháng nghỉ trọn = 08 triệu đồng x 75% x 03 tháng = 18 triệu đồng.

+ Mức hưởng chế độ ốm đau của 06 ngày lẻ không trọn tháng = 08 triệu đồng : 24 x 75% x 06 ngày = 1,5 triệu đồng.

=> Tổng mức hưởng chế độ ốm đau của chị A = 18 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 19,5 triệu đồng.

Trên đây là công thức tính mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày và ví dụ minh họa chi tiết. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc bấm gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

>> Chế độ ốm đau: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?