Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội toàn dân. Với những người thuộc nhiều đối tượng tham gia thì mức hưởng của họ được giải quyết thế nào?
Mức đóng BHYT của người thuộc nhiều đối tượng
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, tùy theo diện đối tượng mà mỗi tháng, người tham gia sẽ có mức đóng BHYT khác nhau. Cụ thể:
- 4,5% tiền lương tháng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
- 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản;
- 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp;
- 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác;
Riêng người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải đóng với mức:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, ba, tư đóng lần lượt bằng 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Lưu ý với các trường hợp thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT:
- Đóng theo đối tượng đầu tiên được xác định theo thứ tự:
+ Người lao động và người sử dụng lao động đóng;
+ Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
+ Ngân sách Nhà nước đóng;
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng;
+ Đóng theo hộ gia đình.
- Người lao động có nhiều hợp đồng lao động thì đóng theo hợp đồng có mức tiền lương cao nhất.
- Người không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời thuộc nhiều đối tượng thì đóng theo thứ tự: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách Nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.
(khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2014)
Mức hưởng BHYT của người thuộc nhiều đối tượng (Ảnh minh họa)
Mức hưởng BHYT của người thuộc nhiều đối tượng
Khoản 2 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nêu rõ, nếu một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao nhất.
Cụ thể mức hưởng BHYT hiện nay phụ thuộc vào việc người tham gia BHYT đi khám đúng tuyến hay trái tuyến:
- Nếu đúng tuyến, người khám, chữa bệnh sẽ được hưởng 100%, 95% hoặc 80% chi phí tùy theo diện đối tượng.
- Nếu trái tuyến, người khám, chữa bệnh sẽ được hưởng 40%, 60% hoặc 100% chi phí tùy theo thời gian điều trị và tuyến bệnh viện (bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến huyện).
Xem chi tiết tại đây.
Ví dụ: Ông A là cựu chiến binh, nay làm bảo vệ cho Công ty X với thời hạn 12 tháng. Theo quy định, ông A được hưởng BHYT với 02 mức: 95% (cựu chiến binh) và 80% (người lao động). Do đó, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, ông sẽ được BHYT chi trả 95% chi phí.
Trên đây là những thông tin về quyền lợi BHYT của người thuộc nhiều đối tượng. Người tham gia nên nắm rõ các chính sách này để được hỗ trợ tối đa trong việc khám, chữa bệnh.
Để cập nhật quy định của pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế, bạn đọc có thể theo dõi tại đây.
Thùy Linh