Cha mẹ cần biết: Mức hưởng BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Ở Việt Nam, trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Do đó, trẻ dưới 6 tuổi sẽ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về mức hưởng BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi mà bố mẹ cần biết để bảo vệ lợi ích cho con mình.


Mức hưởng BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi năm 2021

Trẻ em dưới 06 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí được đóng bằng nguồn ngân sách nhà nước (theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP). Theo đó, trẻ em khi đi khám chữa bệnh được hưởng như sau:

Mức hưởng khám chữa bệnh đúng tuyến

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật.

Mức hưởng khám chữa bệnh trái tuyến

Trường hợp tự đưa trẻ em dưới 06 tuổi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (trước đây là 60%);

- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

(Theo khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014)

Với quy định này, trẻ dưới 6 tuổi khi tham gia khám chữa bệnh trái tuyến tỉnh và trung ương chỉ được quỹ BHYT chi trả khi điều trị nội trú. Nếu đi khám khám bệnh, điều trị ngoại trú ở tuyến tỉnh và trung ương thì sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả về trường hợp này.

Xem thêm: Tin vui khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến từ năm 2021

Mức hưởng BHYT khi cấp cứu

Khoản 6 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã chỉ rõ:

Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cùng cơ sở để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì được xác định là khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Như vậy, nếu trẻ dưới 06 tuổi cần cấp cứu thì được đến khám, chữa bệnh ở bất kì cơ sở khám chữa bệnh nào và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh và không giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật.

Cha mẹ cần biết: Mức hưởng BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi (Ảnh minh họa)


Trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT có được khám chữa bệnh bảo hiểm?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:

- Khi đi khám, trẻ dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT;

- Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh;

- Trường hợp phải điều trị ngay sau sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì trưởng cơ sở khám, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án.

Do đó, không phân biệt trẻ em dưới 6 tuổi có hay không có thẻ BHYT thì cũng đều được hưởng chế độ khám chữa bệnh BHYT. Trường hợp chưa có thẻ BHYT, có thể xuất trình giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh để được hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh.

Đặc biệt, nếu trẻ phải điều trị ngay sau sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì phải có xác nhận của thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký vào hồ sơ bệnh án làm căn cứ để cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Xem thêm: Trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT có được khám chữa bệnh miễn phí?


Để hưởng BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, bố mẹ cần làm gì?

Để hưởng thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 06 tuổi, bố mẹ cần làm hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ. Hiện nay, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ được thực hiện đồng thời với thủ tục đăng ký khai sinh.

Tại Điều 6 Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT, khi làm thủ tục liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi, cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);

- Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ em sinh ra cấp. Nếu không có giấy chứng sinh thì có thể thay thế bằng các văn bản khác như:

+ Văn bản xác nhận của người làm chứng nếu trẻ sinh ra ở ngoài cơ sở y tế; không có người làm chứng thì có giấy cam đoan về việc sinh là có thật;

+ Biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi thay cho giấy chứng sinh nếu trẻ em bị bỏ rơi...

- Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (theo mẫu).

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

Thời hạn thực giải quyết: Không quá 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.

Người nộp hồ sơ đến UBND cấp xã để nhận kết quả liên thông. Nếu muốn nhận kết quả qua bưu điện, qua dịch vụ chuyển phát thì đăng ký với UBND cấp xã và phải trả phí dịch vụ.

Xem thêm: Thủ tục cấp mới thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Trên đây là những thông tin về mức hưởng BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi từ năm 2021 và các nội dung liên quan. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?