Lương cơ sở tăng, mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi thế nào?

Bên cạnh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng chịu nhiều tác động của việc tăng lương cơ sở, đặc biệt là mức đóng của người tham gia. Vậy mức đóng BHYT sẽ thay đổi thế nào khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng?

Cách tính tiền đóng bảo hiểm y tế

Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế của từng đối tượng tham gia như sau:

- Bằng 4,5% tiền lương tháng của người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.

- Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác.

- Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với người đầu tiên trong gia đình tham gia BHYT theo hộ gia đình; những người còn lại đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người đầu; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người đầu.

Với những người tham gia BHYT thuộc nhiều đối tượng khác nhau thì đóng theo thứ tự: Do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng; do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng; do ngân sách Nhà nước đóng và sau cùng là do người sử dụng lao động đóng.

Mức đóng bảo hiểm y tế năm 2020

Mức đóng bảo hiểm y tế năm 2020 (Ảnh minh họa)

Mức đóng BHYT thay đổi thế nào khi lương cơ sở tăng?

Việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020 sẽ tác động tới 02 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Cụ thể:

Nhóm 1. Nhóm đối tượng đóng trực tiếp trên mức lương cơ sở

Theo Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, nhóm 1 sẽ bao gồm:

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

- Người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không làm việc và hưởng lương tại đơn vị;

- Người lao động nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày;

- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 206/CP;

- Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước hàng tháng;

- Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;

- Đại biểu được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;

- Trẻ em dưới 06 tuổi;

- Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;

- Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha/mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

- Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng nêu trên;

- Người đã hiến bộ phận cơ thể;

- Người phục vụ người có công với cách mạng;

- Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở;

- Thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước; thân nhân người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân;

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại trường công an nhân dân được cấp học bổng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam; học sinh trường văn hóa công an nhân dân;

- Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;

- Học sinh, sinh viên;

- Người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình;

- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Mức đóng BHYT của những đối tượng nêu trên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Theo đó:

Trước ngày 01/7/2020: Mức đóng BHYT bằng 4,5% x 1,49 triệu đồng/tháng = 67.050 đồng/tháng.

Từ ngày 01/7/2020: Mức đóng BHYT bằng 4,5% x 1,6 triệu đồng/tháng = 72.000 đồng/tháng.

Mức đóng BHYT thay đổi thế nào khi lương cơ sở tăng?

Mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi thế nào khi lương cơ sở tăng? (Ảnh minh họa)

Nhóm 2. Nhóm đối tượng đóng theo mức lương tháng đóng BHXH

Cũng theo Điều 18 Quyết định 595, nhóm 2 sẽ bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

- Người quản lý doanh nghiệp, quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Cán bộ, công chức, viên chức.

Với những đối tượng này, tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và người lao động phải đóng với tỷ lệ 1,5%.

Đáng chú ý, trường hợp mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

Điều này đồng nghĩa với việc, tiền lương tháng đóng BHYT tối đa sẽ bằng 20 tháng lương cơ sở. Như vậy:

Trước ngày 01/7/2020: Tiền lương tháng BHYT tối đa bằng 20 x 1,49 triệu đồng/tháng = 29,8 triệu đồng/tháng và mức đóng BHYT tối đa bằng 1,5% x 29,8 triệu đồng/tháng = 447.000 đồng/tháng.

Từ ngày 01/7/2020: Tiền lương tháng đóng BHYT tối đa bằng 20 x 1,6 triệu đồng/tháng = 32 triệu đồng/tháng và mức đóng BHYT tối đa bằng 1,5% x 32 triệu đồng/tháng = 480.000 đồng/tháng.

Có thể thấy, dù thuộc đối tượng nào thì khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người tham gia cũng tăng lên.

>> 17 tác động của việc tăng lương cơ sở đối với người lao động

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục