Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên mới nhất hiện nay

100% học sinh, sinh viên phải tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là mục tiêu đặt ra hàng năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Năm học này, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên là bao nhiêu?

Học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT

Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 nêu rõ, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận và do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Hiện nay, có 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được phân loại dựa trên việc đóng, hỗ trợ đóng của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức. Cụ thể:

  • Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;
  • Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng;
  • Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng;
  • Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;
  • Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;
  • Nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Xem chi tiết các đối tượng tham gia BHYT tại đây.

Đáng chú ý, Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP liệt kê các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng bao gồm:

  • Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo;
  • Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều;
  • Học sinh, sinh viên;
  • Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Và như vậy, khi tham gia bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên sẽ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Học sinh, sinh viên đóng BHYT với mức bao nhiêu? (Ảnh minh họa)

Mức đóng BHYT học sinh sinh viên mới nhất

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 146 nêu trên, hàng tháng, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế với mức bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%; học sinh, sinh viên đóng 70%.

Cụ thể:

Mức đóng

=

Mức lương cơ sở

x

4,5%

x

Số tháng tham gia

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT học sinh sinh viên được tính trên mức lương cơ sở này.

Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng:

  • Đóng bảo hiểm y tế cho 03 tháng: Mức đóng bằng 201.150 đồng (Nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng; học sinh, sinh viên đóng 140.805 đồng);
  • Đóng bảo hiểm y tế cho 06 tháng: Mức đóng bằng 402.300 đồng (Nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng; học sinh, sinh viên đóng 281.610 đồng);
  • Đóng bảo hiểm y tế cho 09 tháng: Mức đóng bằng 603.450 đồng (Nhà nước hỗ trợ 181.035 đồng; học sinh, sinh viên đóng 422.415 đồng);
  • Đóng bảo hiểm y tế cho 12 tháng: Mức đóng bằng 804.600 đồng (Nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng; học sinh, sinh viên đóng 563.220 đồng).

Đặc biệt, theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 146, nếu Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở thì học sinh, sinh viên và Nhà nước sẽ không phải đóng bổ sung phần chênh lệch đối với thời gian đã đóng.

Thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Cũng tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, cụ thể khoản 7 Điều 13, thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh, sinh viên, trong đó:

  • Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học;
  • Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.
  • Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;
  • Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về mức đóng BHYT học sinh sinh viên đang áp dụng hiện nay cùng những thông tin liên quan.

>> Hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế đơn giản nhất

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?