Mức đóng bảo hiểm xã hội cho giám đốc được quy định như thế nào? Có phải ai làm giám đốc cũng phải đóng bảo hiểm xã hội không? Tất cả câu hỏi sẽ được LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.
1. Giám đốc công ty có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tại doanh nghiệp có 02 đối tượng thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
(1) Người lao động đóng làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
(2) Người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương.
Cùng với đó, khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp cũng liệt kê về những người quản lý doanh nghiệp bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo Điều lệ công ty.
Theo đó, giám đốc công ty thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu người đó là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương do thực hiện công việc quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Nếu thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, giám đốc công ty đi làm còn phải đóng bảo hiểm y tế (theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) và có thể đóng thêm cả bảo hiểm thất nghiệp.
Lưu ý, người làm giám đốc chỉ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên với công ty (theo khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013).
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội của giám đốc công ty
Giám đốc công ty nếu thuộc diện phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc thì hằng tháng, người này phải sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng tỷ lệ bằng 10,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, tỷ lệ đóng hằng tháng của từng loại bảo hiểm được quy định như sau:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc | Bảo hiểm thất nghiệp | Bảo hiểm y tế | Tổng | |
8% | 1% | 1,5% | 10,5% | |
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh
- Các khoản phụ cấp lương nhằm bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động
- Các khoản bổ sung xác định được mức cụ thể, được trả thường xuyên trong kỳ trả lương.
- Không bao gồm các khoản: Tiền hưởng hiệu quả công việc; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại; hỗ trợ khi thân nhân bị chết, kết hôn, sinh nhật…
Lưu ý, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối đa = 20 lần lương cơ sở.
Hằng tháng, đến kì trả lương, bộ phận kế toán của công ty sẽ trừ trực tiếp số tiền đóng bảo hiểm các loại vào tiền lương của giám đốc công ty để đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Giám đốc quản lý nhiều công ty cùng lúc, đóng bảo hiểm thế nào?
Theo quy định hiện hành, người được thuê làm giám đốc quản lý nhiều công ty cùng lúc sẽ đóng bảo hiểm như sau:
- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hợp đồng lao động đầu tiên được ký đầu tiên.
Quy định này được ghi nhận tại khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, trường hợp ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động đầu tiên được ký đầu tiên.
Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động ký đầu tiên.
- Đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014, nếu người lao động có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trên đây là thông tin về mức đóng bảo hiểm xã hội cho giám đốc công ty. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.