Ngoài tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thì hằng tháng người lao động và doanh nghiệp cũng phải trích đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?
1. Ai phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm số 38/2013/QH13, việc đóng bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động:
* Người lao động:
- Là người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.
- Người đang hưởng lương hưu, là giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
* Người sử dụng lao động:
Bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác.
- Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên.
Xem thêm: Đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa)
2. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm năm 2013, tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính theo công thức sau:
Mức đóng của doanh nghiệp | = | 1% | x | Quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp |
Ví dụ: Trường hợp công ty có 200 công nhân tham gia bảo hiểm thất nghiệp, quỹ lương là 1,2 tỷ/tháng thì số tiền trích đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này bằng: 1% x 1,2 tỷ = 12 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mức đóng này có thể thay đổi trong trường hợp có văn bản mới điều chỉnh, do vậy doanh nghiệp cần phải thường xuyên cập nhật các quy định mới để thực hiện đúng.
3. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động
Theo điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm, mỗi tháng, người lao động sẽ phải trích đóng bảo hiểm thất nghiệp với mức sau:
Mức đóng của người lao động | = | 1% | x | Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp |
Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (theo Điều 58 Luật Việc làm năm 2013). Cụ thể:
* Người lao động theo chế độ tiền lương mà Nhà nước quy định:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gồm:
+ Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm.
+ Phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
* Người lao động theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gồm:
+ Mức lương.
+ Phụ cấp lương.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (Ảnh minh họa)
4. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa là bao nhiêu?
Mức tiền lương tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp được ghi nhận cụ thể tại Điều 58 Luật Việc làm như sau:
* Người lao động theo chế độ tiền lương mà Nhà nước quy định:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 x Lương cơ sở
* Người lao động theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 x Lương tối thiểu vùng
Như vậy, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa được xác định theo bảng sau:
Đối tượng | Tiền lương tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp | Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa | |
Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định | 46.800.000 đồng | 468.000 đồng | |
Người lao động theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định | Làm việc tại Vùng I | 99.200.000 đồng | 992.000 đồng |
Làm việc tại Vùng II | 88.200.000 đồng | 882.000 đồng | |
Làm việc tại Vùng III | 77.200.000 đồng | 772.000 đồng | |
Làm việc tại Vùng IV | 69.000.000 đồng | 690.000 đồng |
Trên đây là thông tin chi tiết về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu còn thắc mắc liên quan đến việc đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.