Đây chắc chắn là câu hỏi của nhiều người khi muốn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình nhưng lại không có sổ hộ khẩu. Và sự thật là phải có sổ hộ khẩu mới được tham gia BHYT theo hình thức này?
4 nhóm đối tượng được tham gia BHYT theo hộ gia đình
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình bao gồm:
- Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng tham gia BHYT nhóm khác;
- Người có tên trong sổ tạm trú, trừ những người thuộc đối tượng tham gia BHYT nhóm khác;
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Với quy định này có thể thấy, không bắt buộc mọi đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đều phải có sổ hộ khẩu.
Và như vậy, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách Nhà nước đóng… và không có sổ hộ khẩu thì chỉ cần sổ tạm trú hoặc là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội không được Nhà nước hỗ trợ đóng thì người dân đã có thể tham gia bảo hiểm y tế.
Mua bảo hiểm y tế có cần sổ hộ khẩu không? (Ảnh minh họa)
Hồ sơ, thủ tục mua bảo hiểm y tế khi không có sổ hộ khẩu
Hồ sơ mua bảo hiểm y tế khi không có sổ hộ khẩu
Theo Công văn số 3170/BHXH-BT về bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, để tham gia bảo hiểm y tế, người dân cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (mẫu TK1-TS);
- Sổ tạm trú hoặc giấy tờ chứng minh đối tượng;
- Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác có ảnh.
Thủ tục mua bảo hiểm y tế khi không có sổ hộ khẩu
Sau khi có đủ các giấy tờ nêu trên, người dân thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1. Xác định trụ sở, đại lý thu bảo hiểm y tế và cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu
Hiện nay, để thuận tiện cho người dân, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tổ chức các điểm, đại lý thu bảo hiểm tại từng xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu thường là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương.
Bước 2. Đến đại lý thu đã xác định làm thủ tục mua bảo hiểm y tế
Đến đây, người dân xuất trình các giấy tờ trong hồ sơ của mình và làm theo hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3. Đóng tiền bảo hiểm y tế
Sau khi nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, người mua sẽ đóng tiền tham gia bảo hiểm y tế và được cấp thẻ bảo hiểm y tế sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ (theo khoản 11 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Xem thêm: Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2020
Thẻ bảo hiểm y tế sẽ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đại lý thu bảo hiểm y tế nộp tiền vào tài khoản bảo hiểm y tế cấp quận, huyện.
Trên đây là những thông tin liên quan tới việc mua bảo hiểm y tế có cần sổ hộ khẩu không. Người dân nên nắm chắc để được hỗ trợ tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.