Mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Coi chừng bị xử lý hình sự!

Do cần gấp tiền để giải quyết khó khăn tài chính, nhiều người lao động đã tìm cách bán lại, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật khiến người vi phạm bị phạt rất nặng, thậm chí còn bị xử lý hình sự.


Mua bán sổ BHXH là trái luật, tại sao vẫn tồn tại?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sổ bảo hiểm xã hội là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động làm cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Đây không phải một loại tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, giao dịch dân sự liên quan đến việc mua bán, cầm cố loại giấy tờ này là không hợp pháp.

Tuy nhiên thực tế bên mua và bán sẽ không trực tiếp xác lập giao dịch mua bán hay cầm cố sổ BHXH mà thường lập hợp đồng ủy quyền rút BHXH. Theo đó, người sở hữu sổ BHXH sẽ lập văn bản ủy quyền cho người khác làm thủ tục hưởng BHXH một lần, coi như đã bán cho người kia và nhận về một khoản tiền nhất định.

Theo quy định hiện hành, việc ủy quyền lĩnh thay BHXH là hợp pháp nên các bên đã lợi dụng điều này để thực hiện việc “mua bán, cầm cố” sổ BHXH. Rất khó để cơ quan BHXH có thể phân biệt được trường hợp nào là ủy quyền thật và trường hợp nào là ủy quyền trá hình.

Chính vì vậy, việc mua bán sổ BHXH vẫn ngang nhiên tồn tại. Dù vậy, nếu một người nhận ủy quyền từ nhiều người thì đây là dấu hiệu bất thường để cơ quan BHXH tiến hành kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. 

mua ban so bao hiem xa hoi

Mua bán sổ bảo hiểm xã hội có bị phạt? (Ảnh minh họa)


Rủi ro khi mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Việc mua bán sổ BHXH núp bóng dưới hình thức “ủy quyền” mặc dù có thể thực hiện được trong thực tế nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán sổ BHXH.

* Đối với người bán sổ BHXH:

Số tiền có được do bán sổ BHXH sẽ ít hơn so với tiền BHXH 1 lần mà người đó đi rút khi đủ điều kiện.

Mặt khác, do cần tiền gấp nên nhiều trường hợp người lao động còn bị ép giá, dẫn tới lỗ mất một khoản tiền kha khá.

* Đối với người mua sổ BHXH:

- Bị người bán rút BHXH 1 lần trước.

Người mua sổ bảo hiểm thường nhận sổ BHXH và kèm theo văn bản ủy quyền. Tuy nhiên do sổ BHXH có thể được cấp lại trong trường hợp bị mất nên sẽ xảy ra trường hợp người lao động sau khi bán sổ BHXH và nhận tiền thì lại đến cơ quan BHXH báo mất và xin cấp lại sổ.

Và như vậy, nếu người bán tiến hành rút BHXH trước thì người mua sẽ không được lĩnh nữa.

- Người bán qua đời trước thời điểm được rút BHXH 01 lần.

Nếu người bán sổ BHXH qua đời trước khi người mua làm thủ tục rút BHXH 1 lần thì cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ tử tuất cho thân nhân của người bán sổ BHXH, chứ không chi trả BHXH 01 lần theo giấy tờ ủy quyền mà trước đó người mua và người bán đã ký.

Theo đó, người mua sẽ mất trằng tiền BHXH 01 lần mà mình đã bỏ ra để mua lại sổ BHXH.


Mua bán sổ BHXH để trục lợi, có thể bị đi tù!

Sau khi bán sổ BHXH, người lao động thường làm thủ tục xin cấp lại sổ BHXH bị mất, hư hỏng để tiếp tục hưởng lợi. Trường hợp bị cơ quan BHXH phát hiện có dấu hiệu trục lợi thì tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

* Phạt vi phạm hành chính:

Người lao động thực hiện hành vi nói trên sẽ bị coi là kê khai hồ sơ không đúng sự thật. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 01 - 2 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

* Xử lý hình sự:

Các cá nhân thực hiện việc mua bán sổ BHXH còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội tại Điều 214 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, nếu có hành vi lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH hoặc dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH mà chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 - dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 - dưới 200 triệu đồng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.

Nặng nhất, người này còn có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu chiếm đoạt tiền BHXH từ 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí còn khiến người lao động bị phạt. Vì vậy, dù khó khăn, người lao động cũng không nên bán sổ BHXH.

Nếu còn thắc mắc liên quan đến chế độ BHXH, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Tổng hợp các mức phạt vi phạm về BHXH mới nhất

>> Công ty nợ BHXH, quyền lợi của người lao động giải quyết thế nào?

>> Bảo hiểm xã hội 1 lần: Chi tiết cách tính và thủ tục nhận
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Dưới đây là thông tin về mức xử phạt đối với người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện.

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Theo đó, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 với nhiều quy định liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là những người mắc các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo từ 01/01/2025.