- 1. Được vượt tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu nếu bị bị bệnh hiếm, hiểm nghèo
- 2. Thêm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc
- 3. Người tham gia có lợi hơn vì phạm vi hưởng được mở rộng
- 4. Thêm trường hợp được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 01/7/2025
- 5. Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB
1. Được vượt tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu nếu bị bị bệnh hiếm, hiểm nghèo
Theo đó, tại khoản 14 Điều 1 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 đã bổ sung thêm khoản 4 vào sau Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành như sau:
4. Người tham gia bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, không đúng quy định về chuyển người bệnh quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều này, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ phần trăm của mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này như sau:
a) 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
Có nghĩa, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chẩn đoán xác định mắc một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo như ung thư…, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà khi vượt lên tuyến trên mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi còn quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành.
2. Thêm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc
Tại khoản 10 Điều 1 của sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2014 quy định Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên... cũng thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc (quy định hiện hành là hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên...)
Điều luật này cũng bổ sung các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc gồm:
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người lao động làm việc không trọn thời gian.
- Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam...
3. Người tham gia có lợi hơn vì phạm vi hưởng được mở rộng
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 quy định về phạm vi được hưởng.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí sau đây:
- Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
- Vận chuyển người bệnh với nhiều đối tượng được bổ sung mới tại khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 trong trường hợp đang điều trị nội trú hoặc cấp cứu phải chuyển cơ sở khám bệnh như:
- Sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân đang tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong công an nhân dân; học viên quân đội, học viên công an, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam;
- Học viên quân đội, học viên công an, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài;
- Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 03 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
- Dân quân thường trực;
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
Bên cạnh đó, người tham gia BHYT còn được chi trả chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
4. Thêm trường hợp được hỗ trợ mức đóng BHYT từ 01/7/2025
So với quy định hiện hành tại khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP và khoản 2 Điều 32 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023, Luật mới đã bổ sung thêm 04 trường hợp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng gồm:
(1) Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
(2) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
(3) Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
(4) Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011.
Căn cứ theo khoản 11 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024, mức đóng hằng tháng của nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng tối đa bằng 6% mức tham chiếu do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
5. Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB
Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi đã bổ sung các khoản 4, 5 vào Điều 31 về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong trường hợp đáp ứng các điều kiện sau:
- Tại thời điểm người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc, thiết bị y tế nhưng không có sẵn và không thể thay thế bằng thuốc, thiết bị y tế khác;
- Không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện hình thức mua sắm đấu thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật đấu thầu (gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng) nhưng không mua được thuốc, thiết bị y tế.
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi nhận theo giá thanh toán bảo hiểm y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển thuốc, thiết bị y tế.
Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận thuốc, thiết bị y tế có trách nhiệm thanh toán chi phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển thuốc, thiết bị y tế, sau đó tổng hợp vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Có thể thấy, Luật BHYT sửa đổi 2024 đã có nhiều điểm mới nhằm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT. Luật sửa đổi cũng đã cập nhật thêm các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc là những người tham gia bảo hiểm xã hội được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024; mở rộng phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT...
Trên đây là thông tin về việc Luật BHYT sửa đổi 2024 ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi người tham gia BHYT?