Bảo hiểm xã hội (BHXH) được sinh ra với mục đích chia sẻ khó khăn, vất vả của người dân khi ốm đau, bệnh tật hay hỗ trợ một phần thu nhập khi về già. Với những người làm nội trợ thì việc tham gia BHXH có dễ?
Người nội trợ tham gia BHXH bằng cách nào?
Thực tế, ở các nước phát triển (Mỹ, Canada, Nhật Bản…) thì nội trợ được coi là một nghề và được nhận lương hàng tháng như những người lao động làm các công việc khác. Họ có nghĩa vụ cũng như những ưu tiên riêng trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái.
Tại Việt Nam, nội trợ không được coi là một nghề và những người làm nội trợ (thường được gọi là “hậu phương”) sẽ không đi làm mà ở nhà chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ cho từng thành viên trong gia đình.
Do đó, theo khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, người nội trợ không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.
Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống của mình phòng khi có bất trắc xảy ra, họ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bởi đây là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình, đồng thời được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng.
Làm nội trợ có được tham gia bảo hiểm xã hội? (Ảnh minh họa)
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện đóng 22% mức thu nhập tháng do chính mình lựa chọn.
Trong đó:
- Mức tối thiểu = 22% x mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn = 22% x 700.000 đồng/tháng = 154.000 đồng/tháng.
- Mức tối đa = 22% x (20 x mức lương cơ sở tại thời điểm đóng) = 22% x (20 x 1,49 triệu đồng/tháng) = 6,556 triệu đống/tháng.
Xem chi tiết tại: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 2019
Quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện
Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ 02 chế độ mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, đó là hưu trí và tử tuất. Cụ thể:
* Chế độ hưu trí
- Lương hưu hàng tháng:
Mức lương hưu | = | Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng | x | Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH |
- Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:
Loại trợ cấp này dành cho người có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Cứ mỗi năm đóng cao hơn thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
- Bảo hiểm xã hội một lần:
Chỉ trong một số trường hợp nhất định thì người tham gia mới được hưởng chế độ này:
+ Đủ tuổi nghỉ nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục đóng;
+ Ra nước ngoài để định cư;
+ Mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV/AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
* Chế độ tử tuất
- Trợ cấp mai táng:
Người tham gia BHXH đóng đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu mà chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng.
Mức trợ cấp | = | 10 | x | Mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia bảo hiểm chết. |
- Trợ cấp tuất:
Người đang đóng BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng hoặc đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.
Tùy vào từng đối tượng mà thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất với các mức khác nhau.
Xem thêm: Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Với những thông tin nêu trên, có thể thấy, người nội trợ hoàn toàn dễ dàng trong việc tham gia BHXH tự nguyện và có thể vừa chăm lo cho bản thân vừa chăm sóc cho tổ ấm của mình.
>> 5 điều cần biết trước khi mua BHXH tự nguyện
Thùy Linh