Làm gì khi có nhiều sổ bảo hiểm xã hội ở nhiều nơi khác nhau? Đây là câu hỏi của không ít người lao động sau nhiều lần thay đổi công việc khi muốn hưởng bảo hiểm xã hội.
Một người có mấy sổ bảo hiểm xã hội?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật BHXH hiện hành, khi tham gia BHXH, người lao động sẽ được cấp sổ BHXH để theo dõi việc đóng, hưởng, cũng như làm cơ sở giải quyết các chế độ.
Về nguyên tắc, mỗi cá nhân chỉ có 01 sổ bảo hiểm tương ứng với 01 số BHXH. Tuy nhiên, do quá trình lao động làm nhiều công việc, tại nhiều nơi khác nhau nên một cá nhân có thể có nhiều sổ bảo hiểm.
Người lao động cần làm gì khi có nhiểu sổ BHXH? (Ảnh minh họa)
Làm gì khi có nhiều sổ bảo hiểm xã hội?
Về mặt hình thức, người lao động có thể có nhiều sổ BHXH nhưng xét về bản chất, mọi thông tin BHXH của người lao động như thời gian đóng, nơi đóng, mức đóng,... đều được ghi nhận theo 01 số BHXH.
Người lao động có thể dễ dàng tra cứu trực tuyến các thông tin này trên hệ thống điện tử theo số chứng minh nhân dân, hoặc đến cơ quan BHXH nơi tham gia.
Hiện nay, khi giải quyết các chế độ BHXH, cơ quan bảo hiểm đều yêu cầu người lao động cung cấp sổ BHXH. Chính vì vậy, khi có nhiều sổ khác nhau, người lao động phải làm thủ tục gộp sổ.
Theo đó, người lao động phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ:
- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
- Sổ BHXH đã cấp.
Không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được đủ hồ sơ, người lao động sẽ được cấp sổ mới, trường hợp phức tạp cần phải xác minh thì không quá 45 ngày làm việc.
(khoản 1 Điều 29 và khoản 2 Điều 31 Quyết định 959/QĐ-BHXH)
Dù quá trình tham gia BHXH của người lao động được ghi nhận và theo dõi trên hệ thống của cơ quan bảo hiểm, tuy nhiên, khi có nhiều sổ BHXH, người lao động cũng nên gộp về 01 sổ duy nhất để đảm bảo cho việc hưởng các chế độ của mình.
Thùy Linh