Không nghỉ dưỡng sức sau sinh có được tiền không?

Người lao động không nghỉ dưỡng sức sau sinh có được tiền không? Khoản tiền chế độ dưỡng sức tuy không nhiều nhưng nếu có thì chắc hẳn sẽ tăng thêm thu nhập đáng kể cho người lao động.

1. Trường hợp nào được nghỉ dưỡng sức sau sinh?

Theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sẽ được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản nếu đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau đây:

(1) Đã nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản.

Căn cứ Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ sinh một con sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi thì cứ mỗi con ra người mẹ đó sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.

Ngay sau khi nghỉ hết thời gian thai sản kể trên, người lao động phải quay trở lại công ty làm việc.

(2) Trong 30 ngày đầu trở lại công ty làm việc mà sức khỏe của lao động nữ chưa hồi phục.

Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc ở đây được xác định là khoảng thời gian 30 ngày làm việc tính bắt đầu từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của người lao động chưa phục hồi (theo khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH).

Như vậy, khi nghỉ hết thời gian thai sản mà sức khỏe chưa hồi phục, không thể đảm bảo hoàn thành công việc thì người lao động sẽ có cơ hội được nghỉ chế độ dưỡng sức sau sinh.

Trường hợp nào được nghỉ dưỡng sức sau sinh? (Ảnh minh họa)

2. Không nghỉ dưỡng sức sau sinh có được tiền không?

Khoản 9 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã khẳng định, trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Do đó, nếu thực tế không nghỉ dưỡng sức sau sinh thì người lao động sẽ không được thanh toán tiền chế độ.

Thêm vào đó, người lao động cũng cần biết rằng, trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con sẽ không giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con.

Thực tế, người lao động có đủ sức khỏe để làm việc thì đã được người sử dụng lao động trả lương tương ứng cho những ngày làm việc, từ đó duy trì thu nhập ổn định.

Trong khi đó, quỹ bảo hiểm xã hội được sinh ra nhằm sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn,….

Chính vì vậy, không cần thiết phải chi trả tiền chế độ dưỡng sức sau sinh cho những người lao động có sức khỏe đảm bảo thực hiện công việc mà người sử dụng giao phó.

Không nghỉ dưỡng sức sau sinh có được tiền không? (Ảnh minh họa)

3. Không nghỉ dưỡng sức sau sinh, người lao động để mất bao tiền?

Theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh sẽ được nghỉ từ 05 đến 10 ngày. Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần.

Với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh, lao động nữ được thanh toán 30% mức lương cơ sở.

Từ 01/7/2023, với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, nếu không nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh thì lao động sẽ mất đi số tiền khoảng 2,7 triệu đồng đến 5,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, dù không nhận được tiền dưỡng sức nhưng do đã đi làm nên người lao động vẫn được nhận đủ tiền lương từ người sử dụng lao động.

Trong khi đó, nếu nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh con, lao động nữ sẽ không được trả lương mà nhận tiền dưỡng sức do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.

Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Không nghỉ dưỡng sức sau sinh có được tiền không?” Nếu còn vướng mắc về chế độ dưỡng sức, bạn đọc gọi ngay tổng đài 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?