Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là căn cứ quan trọng để giải quyết các chế độ cho người lao động. Tuy nhiên, khá nhiều người sau khi nghỉ việc lại thờ ơ với việc lấy sổ BHXH. Vậy không lấy sổ BHXH khi nghỉ việc, người lao động có gặp bất lợi gì không?
1/ Không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay sau khi nghỉ việc, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, bao gồm:
1 - Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
(Trừ: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng)
2 - Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
3 - Đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.
Hồ sơ này bao gồm:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);
- Bản chính/bản sao có chứng thực/bản sao kèm bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Bản chính sổ bảo hiểm xã hội.
(Căn cứ: Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP sửa bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP)
4 - Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp.
(Trừ các trường hợp: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…)
Như vậy, có thể thấy, sổ BHXH là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu không có sổ BHXH, dù người lao động đủ các điều kiện khác thì cũng sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp do hồ sơ không hợp lệ.
Tuy nhiên, nếu chưa hưởng ngay thì số tiền trợ cấp thất nghiệp này sẽ không mất đi mà thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu và cộng dồn cho lần hưởng tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện.
Không lấy sổ BHXH khi nghỉ việc có ảnh hưởng gì không?(Ảnh minh họa)
2/ Không được hỗ trợ học nghề
Hỗ trợ học nghề là một trong những quyền lợi dành cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sau khi nghỉ việc.
Theo Điều 55 Luật Việc làm, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng có thể làm hồ sơ để nhận khoản hỗ trợ này.
Hồ sơ hưởng hỗ trợ học nghề bao gồm các giấy tờ sau:
- Đang chờ giải quyết hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại nơi hưởng: Nộp đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.
- Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương khác: Nộp các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.
+ Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (bản chính/bản sao có chứng thực/bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu).
- Trường hợp đủ điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Nộp hồ sơ gồm:
+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
+ Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu.
+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng …
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
(Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP)
Như vậy, để hưởng hỗ trợ học nghề, hồ sơ mà người lao động nộp sẽ phải có sổ BHXH hoặc không thì người lao động phải thuộc trường hợp đang chờ giải quyết hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong khi đó, nếu đang chờ giải quyết hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trước đó, người lao động đã phải nộp sổ BHXH cho trung tâm tâm dịch vụ việc làm.
Vì vậy, nếu nghỉ việc mà không lấy sổ BHXH, người lao động cũng sẽ không được nhận hỗ trợ học nghề. Mặt khác, nếu không làm thủ tục hưởng thì người lao động sẽ mất quyền lợi này mà không được cộng dồn cho lần hưởng sau.
Xem thêm: Mức hỗ trợ học nghề cho người tham gia BHTN mới nhất
3/ Không thể làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 95/2013/QH13, nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt, người lao động sau một năm kể từ khi nghỉ việc sẽ được lấy BHXH một lần.
Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 đã hướng dẫn cụ thể hồ sơ đề nghị nhận BHXH 01 lần trong trường hợp này gồm:
1 - Bản chính Sổ bảo hiểm xã hội.
2 - Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB).
Theo đó, có thể nhận thấy, hồ sơ hưởng BHXH một lần cũng buộc phải có sổ BHXH. Nếu không có sổ BHXH, hồ sơ sẽ bị thông báo là không hợp lệ. Chính vì vậy, nếu muốn nhận số tiền này, người lao động bắt buộc phải trở lại công ty cũ để lấy sổ BHXH.
Tuy nhiên, nếu chưa rút BHXH một lần ngay, người lao động không bị mất đi quyền lợi. Thời gian tham gia BHXH sẽ tiếp tục được bảo lưu đến khi có đủ hồ sơ để thực hiện rút một lần.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội 1 lần: Chi tiết cách tính và thủ tục nhận
Trên đây là thông tin về một quyền lợi có thể bị mất nếu người lao động không lấy sổ BHXH khi nghỉ việc. Nếu gặp vướng mắc liên quan đến các chế độ BHXH khi nghỉ việc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Nghỉ việc nhiều năm có được lấy sổ bảo hiểm xã hội?
>> Hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Toàn bộ quyền lợi và thủ tục nhận