Mặc dù đã điều trị khỏi Covid-19 nhưng nhiều bệnh nhân vẫn phải đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài. Theo đó, nếu đi khám và điều trị hậu Covid-19, người bệnh có được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) không?
Có được thanh toán BHYT khi đi khám hậu Covid-19 không?
Theo quy định hiện hành, bất kì ai tham gia BHYT cũng được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Và tất nhiên, các trường hợp khám và điều trị hậu Covid-19 cũng sẽ được thanh toán chi phí tương ứng với các mức khác nhau tùy vào đối tượng tham gia BHYT.
Cụ thể, theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi như sau:
* Đi khám, chữa bệnh đúng tuyến:
Người sẽ được thanh toán chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT với mức hưởng như sau:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các trường hợp là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí khám, chữa bệnh dành cho những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo…
- 80% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các đối tượng khác.
* Đi khám, chữa bệnh đúng tuyến:
Nếu tự đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến mà không có giấy giới thiệu thì tùy tuyến khám chữa bệnh mà người tham gia BHYT sẽ được thanh toán như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Mức hưởng trái tuyến này được áp dụng đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi cả nước (Theo Công văn 627/BYT-BH năm 2021).
Tự ý tăng giá khám sức khỏe hậu Covid-19, bệnh viện bị phạt thế nào?
Lợi dụng nhu cầu thăm khám, điều trị các di chứng hậu Covid-19, nhiều bệnh viện đã tự ý tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc gợi ý người bệnh tham gia gói khám sức khỏe hậu Covid-19.
Hành vi này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý các hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Theo khoản 2a Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, hành vi thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh với giá cao sẽ bị phạt như sau:
2a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;b) Thu cao hơn chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được bảo hiểm y tế thanh toán, trừ trường hợp khoản thu chênh lệch do sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, do vượt quá phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.
Như vậy, nếu vi phạm, bệnh viện có thể bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi đi khám hậu Covid-19 có được hưởng BHYT không. Nếu vẫn còn thắc mắc liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.