Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm?

“Cộng tác viên” không phải là cụm từ quá xa lạ trong thị trường lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được liệu hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm hay không?

Bài viết dưới đây sẽ phân tích hợp đồng cộng tác viên dưới 2 khía cạnh:

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ

Pháp luật hiện hành không có khái niệm nào về hợp đồng cộng tác viên. Tuy nhiên, trên thực tế, cộng tác viên làm việc theo chế độ cộng tác với một tổ chức và không thuộc biên chế của tổ chức đó.

Bản chất của hợp đồng cộng tác viên là một thỏa thuận dân sự và hợp đồng cộng tác viên được xem là một dạng của hợp đồng dịch vụ.

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng sẽ thực hiện công việc cho bên sử dụng, bên sử dụng phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng.

Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng cộng tác viên:

- Cung cấp cho cộng tác viên thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc;

- Trả tiền cho cộng tác viên;

- Yêu cầu cộng tác viên thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;

- Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu cộng tác viên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ.

(Điều 515 và 516 Bộ luật Dân sự 2015)

Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm? (Ảnh minh họa)

Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên:

- Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;

- Không giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng;

- Bảo quản và giao lại cho bên sử dụng tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc;

- Báo cho bên sử dụng về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;

- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc;

- Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin;

- Yêu cầu bên sử dụng cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc;

- Thay đổi điều kiện cộng tác vì lợi ích của bên sử dụng mà không nhất thiết phải chờ ý kiến, nếu việc chờ ý kiến gây thiệt hại cho bên sử dụng, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng;

- Yêu cầu bên sử dụng trả tiền.

(Điều 517 và 518 Bộ luật Dân sự 2015)

Với các quy định nêu trên, giữa cộng tác viên và người sử dụng cộng tác viên không có bất cứ ràng buộc nào về nội quy, quy chế lao động; thời gian, địa điểm làm việc thường tự do; thù lao được trả theo công việc được giao, tạm ứng và thanh toán khi xong công việc.

Như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng cộng tác viên không phải đóng bảo hiểm.

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động

Theo Điều 15 Bộ luật Lao động 2012, hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn, hoặc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Nếu doanh nghiệp tuyển dụng người lao động dưới hình thức cộng tác viên thì hợp đồng cộng tác viên sẽ được xem là hợp đồng lao động. Do đó, lúc này, cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm.

Tóm lại như sau:

Hợp đồng cộng tác viên không phải đóng bảo hiểm nếu là hợp đồng dịch vụ.

Hợp đồng cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm nếu là hợp đồng lao động.


Thùy Linh
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?