Hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản thế nào? Quá hạn phải làm sao?

Để được thanh toán tiền thai sản, người lao động cần chú ý hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản để thực hiện cho đúng. Thời hạn này được quy định như thế nào? Trường hợp để quá hạn nộp hồ sơ cần làm gì để được hưởng trợ cấp?


1. Hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản bao lâu?

Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản chỉ đặt ra đối với trường hợp người lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký với người sử dụng lao động sau khi hết thời gian nghỉ thai sản.

Theo đó, người lao động phải nộp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cho người sử dụng lao động. Hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản cho người sử dụng lao động là trong thời gian 45 ngày kể từ ngày người lao động quay trở lại làm việc.

Sau đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thiện và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản cho cơ quan bảo hiểm xã hội là 10 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động nhận được đầy đủ giấy tờ từ người lao động.

Lưu ý: Không quy định hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản với trường hợp lao động nữ thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

Người lao động trong trường hợp này được tự nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội và không bị giới hạn thời gian.

Hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản được quy định trong bao lâu? (Ảnh minh họa)

2. Quá hạn mới nộp hồ sơ thai sản, cần làm gì để nhận trợ cấp?

Theo quy định tại Điều 116 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì phải giải trình bằng văn bản để cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét giải quyết hồ sơ.

Vì vậy, trường hợp quá hạn mới nộp hồ sơ thai sản thì người sử dụng lao động phải gửi văn bản giải trình lý do nộp muộn kèm theo bộ hồ sơ hưởng thai sản để nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong đó nêu rõ nguyên nhân khiến cho việc nộp hồ sơ thai sản bị chậm so với quy định.

Tại mẫu Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản (Mẫu 01B-HSB) đã có sẵn mục: “*Giải trình trong trường hợp nộp hồ sơ chậm:….” nên người sử dụng lao động có thể ghi lý do nộp muộn tại đây hoặc tạo công văn riêng giải trình lý do nộp muộn.

Trường hợp nộp muộn hồ sơ thai sản do lỗi của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 02 đến 04 triệu đồng theo điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Thêm vào đó, nếu việc nộp muộn hồ sơ thai sản của người lao động khiến người lao động không được nhận trợ cấp thai sản thì người sử dụng lao động còn phải bồi thường cho người lao động đó (theo khoản 2 Điều 116 Bộ luật Lao động 2014).

Ngược lại, nếu việc nộp hồ sơ muộn do lỗi của người lao động thì người này phải tự chịu rủi ro về nguy cơ không được giải quyết hưởng chế độ thai sản.

Trong trường hợp giải trình được lý do hợp lý, chính đáng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành giải quyết và thanh toán tiền chế độ thai sản cho người lao động.


3. Công ty không nộp hồ sơ, người lao động có được tự làm thủ tục?

Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu còn làm việc cho người sử dụng lao động thì người lao động không thể tự làm thủ tục hưởng chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Điều 21 Luật này quy định rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội.

Nếu không lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Mức phạt đối với hành vi này là từ 02 đế 04 triệu đồng/người lao động không được nộp hồ sơ thai sản nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Trên đây là thông tin về hạn nộp hồ sơ hưởng thai sản. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?