Như đã biết, con dưới 07 tuổi ốm đau mà có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì bố, mẹ sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Vậy có cần ghi tên bố mẹ trong giấy ra viện để hưởng chế độ con ốm?
Để hưởng chế độ con ốm, người lao động cần chuẩn bị giấy tờ gì?
Tùy thuộc vào từng trường hợp khám, điều trị cụ thể mà hồ sơ hưởng chế độ ốm đau sẽ là khác nhau. Căn cứ Điểm 2.1 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, để hưởng chế độ ốm đau, người lao động có con dưới 07 tuổi bị ốm cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Trong trường hợp điều trị nội trú:
+ Bản sao giấy ra viện của con dưới 07 tuổi.
Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh thì thay bằng bản sao giấy báo tử. Nếu giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì bổ sung giấy tờ khác của cơ sở khám, chữa bệnh có thể hiện thời gian vào viện.
+ Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện nếu chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú.
- Trong trường hợp điều trị ngoại trú:
Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nếu cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
- Trong trường hợp con khám, chữa bệnh ở nước ngoài:
Bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám, chữa bệnh do cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
Những giấy tờ này sẽ được người lao động nộp lại cho người sử dụng lao động để hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ.
Xem thêm: Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau mới nhất gồm những gì?
Giấy ra viện của con không có tên cha mẹ có được hưởng chế độ ốm đau?
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 56/2017/TT-BYT, hình thức cấp và cách ghi nội dung giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được quy định như sau:
1. Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đã điều trị nội trú: Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này…
Như vậy, để hưởng chế độ BHXH khi con ốm đau, người lao động cần có giấy ra viện với trường hợp điều trị nội trú theo mẫu tại Phụ lục 3 của Thông tư này. Trong đó, mục III của Phụ lục 3 đã hướng dẫn cụ thể cách ghi phần chú thích trên giấy ra viện, trong đó có nội dung:
Trong trường hợp người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc trẻ em dưới 16 tuổi phải ghi đầy đủ họ, tên của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bệnh.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, giấy ra viện của con dưới 07 tuổi phải ghi đầy đủ họ tên của cha, mẹ thì mới được coi là giấy tờ hợp lệ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho người lao động.
Giấy ra viện của con không có tên cha mẹ có được hưởng chế độ ốm đau? (Ảnh minh họa)
Giấy ra viện không có tên cha mẹ, làm sao để hưởng quyền lợi?
Một trong những trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã cấp giấy ra viện được nêu tại điểm b khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT như sau:
b) Bổ sung, sửa đổi nội dung trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trong trường hợp có sai sót về thông tin được ghi trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Sau khi bổ sung, sửa đổi nội dung phải đóng dấu treo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (dấu đã đăng ký với cơ quan BHXH) tại phần nội dung bổ sung, sửa đổi.
Theo đó, khi phát hiện có thiếu sót về thông tin của cha mẹ trên giấy ra viện của con dưới 07 tuổi, người lao động có thể đến cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã cấp giấy ra viện để yêu cầu bổ sung thông tin.
Khi đó, cơ sở khám, chữa bệnh này phải có trách nhiệm bổ sung thông tin về họ tên đầy đủ của cha, mẹ trên giấy ra viện và phải đóng dấu treo (dấu đã đăng ký với cơ quan BHXH), từ đó làm căn cứ để cơ quan BHXH giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề giấy ra viện của con không có tên cha mẹ thì người lao động có được hưởng chế độ ốm đau hay không. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.