Giấy ra viện là căn cứ quan trọng để cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) giải quyết chế độ cho người lao động. Trường hợp giấy ra viện bị sai thông tin, người lao động cần làm gì để được giải quyết quyền lợi?
Giấy ra viện bị sai thông tin, xin cấp lại được không?
Căn cứ khoản 5 Điều 26 Thông tư 56/2017/TT-BYT, giấy ra viện đã cấp mà có sai sót thông tin sẽ được cơ sở khám, chữa bệnh cấp lại hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung. Cụ thể:
- Cấp lại nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Bị mất, bị hỏng.
+ Người ký giấy ra viện không đúng thẩm quyền.
+ Việc đóng dấu trên giấy ra viện không đúng quy định.
+ Có sai sót về thông tin được ghi trên giấy ra viện.
Giấy ra viện được cấp lại sẽ được đóng dấu “Cấp lại”.
- Bổ sung, sửa đổi nội dung trong trường hợp có sai sót về thông tin được ghi trên giấy ra viện.
Phần nội dung bổ sung, sửa đổi của giấy ra viện phải được đóng dấu treo của cơ sở khám, chữa bệnh (dấu đã đăng ký với cơ quan BHXH) có thẩm quyền.
Cũng theo khoản 5 Điều 26 Thông tư 56, cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã cấp giấy ra viện lúc đầu cũng chính là cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy ra viện cho người bệnh.
Thủ tục xin cấp lại giấy ra viện thực hiện thế nào?
Hiện nay, Thông tư 56 chỉ quy định về thẩm quyền cấp lại giấy ra viện chứ không hướng dẫn thống nhất về thủ tục này.
Trên thực tế, mỗi cơ sở khám, chữa bệnh lại có những quy định riêng về thủ tục cấp lại giấy ra viện. Nội dung hướng dẫn thủ tục này sẽ được niêm yết công khai hoặc do nhân viên bệnh viện hướng dẫn chi tiết đến người bệnh.Tuy vậy, quy trình cấp lại giấy ra viện ở các cơ sở khám, chữa bệnh cũng có những điểm chung nhất định. Để xin cấp lại giấy ra viện, người bệnh có thể tham khảo các bước sau đây:
Bước 1: Người bệnh nộp hồ sơ yêu cầu cấp lại giấy ra viện cho bộ phận tiếp dân của Phòng Kế hoạch tổng hợp tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Đơn xin cấp lại giấy ra viện (theo mẫu sẵn của cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tự chuẩn bị).
- Xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy phép lái xe,…
- Bản photo giấy ra viện đã cấp (nếu có).
Bước 2: Người bệnh nộp lệ phí cấp lại giấy ra viện.
Tùy cơ sở khám, chữa bệnh mà mức phí áp dụng sẽ khác nhau. Phí cấp lại giấy ra viện thường dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/bản.
Bước 3: Nhận giấy hẹn cấp lại giấy ra viện.
Thời gian hẹn cấp lại giấy ra viện là khoảng 02 - 03 ngày kể từ ngày cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận đủ giấy tờ hợp lệ.
Bước 4: Đến nhận giấy ra viện cấp lại.
Sau khi có được giấy ra viện đúng thông tin, người lao động cần nộp lại cho doanh nghiệp để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ BHXH.
Trên đây là hướng dẫn cách giải quyết khi giấy ra viện bị sai thông tin, từ đó giúp người lao động có thể nhanh chóng nhận tiền BHXH. Nếu có thắc mắc về chế độ BHXH, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.
>> Giấy ra viện của con không có tên cha mẹ có được nhận tiền ốm đau?