Để được tính hưởng chế độ thai sản theo diện thai yếu phải nghỉ dưỡng thai, lao động nữ phải có giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai theo quy định. Vậy xin giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai ở đâu? Giấy này có thời hạn bao lâu?
1. Xin giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai ở đâu?
Khoản 1 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT ghi nhận thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai như sau:
1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai:
a) Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản hoặc bệnh viện chuyên khoa phụ sản đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa;
b) Bệnh viện đa khoa đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và Hội đồng Giám định y khoa được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý toàn thân;
c) Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định lại điểm a và điểm b Khoản này được ký giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa và bệnh lý toàn thân theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Theo đó, lao động nữ đang mang thai mà gặp vấn đề về sức khỏe có thể đến các Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản hoặc bệnh viện chuyên khoa phụ sản hoặc các bệnh viện đa khoa đã được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và Hội đồng Giám định y khoa để tiến hành khám hoặc giám định sức khỏe.
Nếu tình trạng sức khỏe của người lao động không thể đảm bảo công việc và buộc phải nghỉ để dưỡng thai thì các bệnh viện nói trên hoặc Hội đồng Giám định y khoa sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai theo quy định.
2. Mẫu giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai hợp lệ
Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai hiện đang được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 6 của Thông tư 56/2017/TT-BYT như sau:
Phụ lục 6
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỈ DƯỠNG THAI
(Kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Tên cơ sở KB, CB | Số Seri……………………………. |
GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỈ DƯỠNG THAI
I. Thông tin người bệnh
1. Họ và tên: ................................... ngày sinh……/ ……/………
2. Mã số BHXH/Số thẻ BHYT: ....................................................
3. Đơn vị làm việc: ........................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
II. Chẩn đoán:
.......................................................................................................
......................................................................................................
......................................................................................................
Số ngày cần nghỉ để điều trị bệnh: ...............................................
(Từ ngày ……………..đến hết ngày…………………………. )
Ngày ……..tháng…….. năm …….. | |
Xác nhận của thủ trưởng cơ quan đơn vị |
3. Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai có thời hạn bao lâu?
Tại hướng dẫn cách ghi giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, Phụ lục 6 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định:
3. Phần Số ngày nghỉ:
- Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
- Việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.
Theo đó, thời hạn của giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai sẽ được thực hiện theo chỉ định riêng của bác sĩ dựa trên sức khỏe của người bệnh nhưng cũng chỉ được tính tối đa 30 ngày nghỉ.
Trường hợp muốn nghỉ dài hơn 30 ngày thì theo khoản 5 Điều 18 Thông tư 56/2017, khi hết hoặc sắp hết hạn, lao động nữ phải đi tái khám để được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai mới.
4. Bị mất giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, phải làm sao?
Theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT, nếu không may làm mất giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, người lao động cần thực hiện như sau:
- Trường hợp bị mất giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp:
Người lao động phải làm đơn đề nghị cấp bản sao giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai và gửi cho đơn vị nơi đã cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai cho mình.
Bản sao giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai sẽ được cấp cho người lao động trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai nhận được đơn đề nghị.
- Trường hợp bị mất giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai từ ngày làm việc thứ 06 kể từ ngày được cấp:
Lúc này, người lao động phải thực hiện lại từ đầu thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
Điều này được hiểu rằng lao động nữ phải đi khám lại từ đầu để được cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
Trên đây là một số nội dung đáng chú ý liên quan đến giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc bấm gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ giải đáp.
>> Nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ: 5 thắc mắc thường gặp