Giáo viên có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không?

Hiện nay, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động nói chung và giáo viên nói riêng. Vậy, giáo viên có phải đối tượng được hỗ trợ không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 mục II Nghị quyết 116, đối tượng người lao động được hỗ trợ bằng tiền từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gồm:

- Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại thời điểm 30/9/2021 nhưng không bao gồm người lao động làm việc tại:

+ Cơ quan Nhà nước.

+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội.

+ Đơn vị vũ trang nhân dân.

+ Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

- Người lao động đã dừng đóng BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trong thời gian từ 01/01/2020 - 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Theo đó, với giáo viên, sẽ có các trường hợp sau đây:


1. Giáo viên trường công lập

Hiện nay, mặc dù Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã có hiệu lực nhưng các phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đến hết năm 2021 với các đơn vị đã được giao quyền tự chủ tài chính; tổ chức khoa học và công nghệ công lập và đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. 

Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp công đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư trước 15/8/2021 sẽ tiếp tục được phân loại là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đồng thời, đơn vị sự nghiệp công đã được cho phép áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp trước ngày 15/8/2021 thì được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền hoặc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Các trường hợp khác sẽ được thực hiện theo theo quy định tại Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Cụ thể, đơn vị sự nghiệp công lập gồm có 04 nhóm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

- Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Theo quy định này, chỉ có người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên không thuộc trường hợp được hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

Người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập khác vẫn thuộc trường hợp được hỗ trợ nếu đáp ứng điều kiện đang đóng BHTN tại thời điểm 30/9/2021.

Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm 2013, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Do đó, giáo viên dù là viên chức hay giáo viên hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tự bảo đảm chi thường xuyên và tự bảo đảm một phần chi thường xuyên nếu đang đóng BHTN tại thời điểm 30/9/2021 đều thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

Riêng việc xác định và phân loại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện theo Nghị định 60/2021 và Điều 40 Nghị định 60/2021 cho từng trường hợp cụ thể.

giao vien co duoc ho tro theo nghi quyet 116

2. Giáo viên trường dân lập

Ngoài đối tượng giáo viên trường công (các đơn vị sự nghiệp công lập) nêu trên thì còn có giáo viên ký hợp đồng lao động với các trường dân lập. Quan hệ lao động trong trường hợp này được xác lập giữa:

- Người lao động: Giáo viên.

- Người sử dụng lao động: Hiệu trưởng các trường dân lập, tư thục.

Căn cứ Nghị quyết 116 nêu trên, các đối tượng giáo viên trường dân lập được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 gồm giáo viên đang ký hợp đồng lao động với trường dân lập, đang tham gia BHTN tại thời điểm 30/9/2021.

Đồng nghĩa, sẽ có các trường hợp sau đây không được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 116 dù đang đi làm:

- Giáo viên chỉ ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng bởi những đối tượng này theo Điều 43 Luật Việc làm không được đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Giáo viên đang nghỉ hưởng chế độ thai sản: Theo khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người đang nghỉ hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên không tính đóng BHTN. Tuy nhiên, nếu người này đi làm sớm, đã được trường dân lập đóng BHTN tại thời điểm 30/9/2021 thì được hỗ trợ.

- Giáo viên nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng 9/2021 thì sẽ không đóng BHTN của tháng 9/2021 nên tại thời điểm 30/9/2021, giáo viên này không tham gia BHTN nên không được hỗ trợ.

Trên đây là giải thích về việc giáo viên có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không? Nếu còn thắc mắc các vấn đề khác liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 116, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> 5 lỗi thường gặp khi đăng ký online nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116

>> Giải đáp thắc mắc về nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?