Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT về thi hành Luật bảo hiểm xã hội
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Bảo hiểm | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Y tế | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2021/TT-BYT | Hà Nội, ngày tháng năm 2021 |
(Dự thảo ngày 14/12/2021)
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật an toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
1. Sửa Điều 4 như sau:
“Điều 4. Bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần
Các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm:
1. Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
2. Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên.”
2. Sửa đổi khoản 3 Điều 5 như sau:
“3. Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động:
a) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng; Bản tự khai các bệnh, tật đề nghị khám giám định.
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, Sổ khám bệnh, bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động (nếu có).
c) Một trong các giấy tờ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này”
3. Sửa đổi khoản 3 Điều 12 như sau:
“3. Đối với người đã được giám định ngoài đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nhưng có Tóm tắt hồ sơ bệnh án mới hoặc Giấy ra viện mới trong đó thể hiện mắc thêm bệnh khác hoặc bệnh đã được giám định thay đổi mức độ nặng lên hoặc nhẹ đi so với tình trạng bệnh, tật được kết luận trong Biên bản Giám định y khoa lần gần nhất hoặc có yêu cầu khám giám định lại thì được đề nghị giám định lại trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày ban hành Biên bản Giám định y khoa lần gần nhất.”
4. Bổ sung khoản 2 Điều 20 như sau:
“2. Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
Trường hợp người lao động bị sẩy, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa 50 ngày cho 1 lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH”
5. Bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20 như sau:
“Điều 20a. Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc dịch bệnh thuộc nhóm A (VD Covid-19)
1. Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp hoặc Quyết định thành lập cơ sở thu dung điều trị bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Người hành nghề (bao gồm người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ điều trị covid-19) làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị covid-19; Trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động) này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
b) Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nghiễm Covid-19 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
d) Trường hợp người bệnh chăm sóc, quản lý, điều trị Covid-19 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, người hành nghề căn cứ danh sách quản lý ca bệnh Covid-19 trên địa bàn của Trạm y tế cấp xã; kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thực hiện xác định tình trạng bệnh thông qua và thông tin theo dõi, diễn biến bệnh hàng ngày của nhân viên y tế với người bệnh qua hình thức trực tiếp đến tận nhà người bệnh hoặc gián tiếp qua công nghệ thông tin (áp dụng khám chữa bệnh từ xa) để ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
2. Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh hoặc trạm y tế cấp xã để người hành nghề xem xét quyết định theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều này.
3. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Điều 2. Bãi bỏ một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
1. Bãi bỏ Điều 27
2. Bãi bỏ Điều 28
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2022.
2. Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
1. Giấy ra viện, Giấy chứng sinh, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, Giấy chứng nhận thương tích, Giấy báo tử do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp theo đúng thẩm quyền và quy chế chuyên môn do Bộ Y tế quy định trong thời gian trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng cấp không đúng mẫu, ghi không đúng thời gian, không đóng dấu pháp nhân, đóng dấu không đúng chỗ, ký tên không đúng chỗ, không đủ chữ ký thì vẫn có giá trị dễ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
2. Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cấp đối với người điều trị Covid-19 do các cơ sở điều trị người mắc Covid-19 cấp không đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/11-BYT cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ); - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL); - Ủy ban XH của Quốc hội (để b/c); - Bộ LĐTBXH; - Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo); - Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp); - Bảo hiểm xã hội Việt Nam; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Y tế các Bộ, ngành; - Tổng Hội y học Việt Nam; - Hiệp hội Bệnh viện tư nhân; - Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế; - Lưu: VT, KCB (02b), PC (01b), BH (01b). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!