Dự thảo Thông tư về BHYT với người lao động, HSSV và thân nhân công an

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an trong Công an nhân dân lần 2
Lĩnh vực: Bảo hiểm Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng bảo hiểm y tế; cấp thẻ bảo hiểm y tế và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh trường Văn hóa, sinh viên hệ dân sự, sinh viên người nước ngoài đang học tập tại trường Công an nhân dân, thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ đang công tác, phục vụ trong Công an nhân dân, thân nhân của học viên Công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước và thân nhân của công nhân công an.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ CÔNG AN

 

Số:           /2019/TT-BCA

DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

 Hà Nội, ngày        tháng        năm 2019

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh,

sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an

trong Công an nhân dân

 

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, sau khi trao đổi thống nhất của Bộ Y tế, Bộ Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an trong Công an nhân dân,

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng bảo hiểm y tế; cấp thẻ bảo hiểm y tế và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh trường Văn hóa, sinh viên hệ dân sự, sinh viên người nước ngoài đang học tập tại trường Công an nhân dân, thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ đang công tác, phục vụ trong Công an nhân dân, thân nhân của học viên Công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước (sau đây viết gọn là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ) và thân nhân của công nhân công an.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; công nhân công an; công dân được tạm tuyển trước khi chính thức được tuyển chọn vào Công an nhân dân (sau đây viết gọn là công dân tạm tuyển);

2. Thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an;

3. Sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại trường Công an nhân dân được cấp học bổng từ ngân sách nhà nước;

4. Học sinh trường Văn hóa thuộc Bộ Công an;

5. Sinh viên hệ dân sự đang học tập tại các trường Công an nhân dân;

6. Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Học viện, trường Công an nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an ninh, bệnh viện và các tổ chức khác thuộc Bộ Công an được thành lập theo quy định của pháp luật (sau đây gọi tắt là Công an đơn vị, địa phương);

7. Cơ quan bảo hiểm xã hội;

8. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an trong Công an nhân dân.

Điều 3. Đối tượng không áp dụng

1. Đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế quy định tại Điều 3 và khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây viết gọn là Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).

2. Thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 và khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã được Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.

3. Thân nhân của công nhân công an thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

                                                                               

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM ĐÓNG

VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ

 

Điều 4. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

1. Đối tượng do người lao động và Công an đơn vị, địa phương đóng bảo hiểm y tế

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

b) Công nhân công an;

c) Công dân tạm tuyển.

(Đối tượng quy định tại điểm a, b và c khoản này gọi chung là người lao động).

2. Đối tượng do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế

a) Thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên được xác định là khuyết tật theo quy định của pháp luật mà chưa được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;

b) Sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại trường Công an nhân dân được cấp học bổng từ ngân sách nhà nước.

3. Đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, gồm:

a) Học sinh trường Văn hóa thuộc Bộ Công an;

b) Sinh viên hệ dân sự đang học tập tại các trường Công an nhân dân.

4. Đối tượng do Công an đơn vị, địa phương đóng bảo hiểm y tế là thân nhân của công nhân công an gồm những đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 5. Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này thực hiện như sau:

a) Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc bằng 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, Công an đơn vị, địa phương đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.

Đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương và được trích từ ngân sách nhà nước.

Đối với người lao động không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế được hạch toán vào các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an ninh, bệnh viện và các tổ chức khác thuộc Bộ Công an được thành lập theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp).

b) Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

c) Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.

d) Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

đ) Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng.

2. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Thông tư này, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó:

a) Kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này do ngân sách nhà nước đảm bảo.

b) Kinh phí đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng bảo hiểm y tế, phần còn lại do cá nhân tự đóng.

Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở thì người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.

c) Kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này được sử dụng từ các nguồn sau:

- Đối với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thì do ngân sách nhà nước đảm bảo.

- Đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế được hạch toán vào các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Phương thức đóng bảo hiểm y tế

1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này: Hằng tháng, Công an đơn vị, địa phương thực hiện đóng bảo hiểm y tế và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, Công an đơn vị, địa phương lập danh sách gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm kinh phí đóng bảo hiểm y tế.

2. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này: Đầu quý I hằng năm, Công an đơn vị, địa phương chuyển ít nhất 85% kinh phí đóng bảo hiểm y tế của năm cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc thanh toán, chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế của năm đó.

3. Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này: Định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần, các trường Công an nhân dân thực hiện thu tiền đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng của đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế.

4. Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này: Hằng tháng, Công an đơn vị, địa phương thực hiện đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng này cùng thời điểm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.

 

Chương III

CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ

 

Điều 7. Thẻ bảo hiểm y tế

1. Thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này do cơ quan bảo hiểm xã hội nơi Công an đơn vị, địa phương đóng quân cấp.

2. Thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế và thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Điều 8. Hồ sơ cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế

1. Hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; cụ thể:

a) Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế;

b) Danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

2. Hồ sơ cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế, gồm:

Trường hợp được cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế và Điều 19 Luật bảo hiểm y tế; hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế;

b) Thẻ bảo hiểm y tế (đối với trường hợp đổi thẻ).

Điều 9. Trình tự cấp thẻ bảo hiểm y tế

1. Kê khai cấp thẻ bảo hiểm y tế:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1; điểm b khoản 2; khoản 3 Điều 4 Thông tư này thực hiện kê khai các nội dung trên tờ khai tham gia bảo hiểm y tế nộp cho đơn vị quản lý trực tiếp.

b) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 4 Điều 4 Thông tư này thì cán bộ, chiến sĩ và công nhân công an đại diện thân nhân kê khai các thông tin trên tờ khai tham gia bảo hiểm y tế nộp cho đơn vị quản lý trực tiếp theo nguyên tắc sau:

- Mỗi thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế.

- Trường hợp một người đồng thời vừa là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ  vừa là thân nhân của công nhân công an thì kê khai duy nhất một lần theo thứ tự như sau: thân nhân của cán bộ, chiến sĩ; thân nhân của công nhân công an được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; thân nhân của công nhân công an do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đóng bảo hiểm y tế.

- Trường hợp một người đồng thời vừa là thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an vừa là thân nhân của quân nhân tại ngũ, hoặc người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân hoặc công nhân, viên chức quốc phòng hoặc người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu tham gia bảo hiểm y tế trong công an nhân dân thì cán bộ, chiến sĩ hoặc công nhân công an nào thực hiện kê khai phải nêu rõ lý do.

- Tại thời điểm kê khai, thân nhân ở cùng cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an nào thì cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an đó có trách nhiệm kê khai.

- Thân nhân cùng ở với nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an hoặc không ở với cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an nào thì trách nhiệm kê khai theo thứ tự: con trai, con gái, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp (nếu cùng hàng trong thứ tự thì người con lớn tuổi nhất kê khai).

- Thân nhân là con đẻ, con nuôi hợp pháp có cả cha và mẹ đều là cán bộ, chiến sĩ hoặc công nhân công an thì người mẹ có trách nhiệm kê khai.

- Trường hợp không thực hiện theo nguyên tắc nêu trên thì cán bộ, chiến sĩ hoặc công nhân công an nào thực hiện kê khai phải nêu rõ lý do.

2. Đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, độ chính xác thông tin trên tờ khai tham gia bảo hiểm y tế và gửi hồ sơ đến cơ quan tổ chức cán bộ của Công an đơn vị, địa phương.

3. Sau khi tiếp nhận tờ khai tham gia bảo hiểm y tế do đơn vị quản lý trực tiếp chuyển đến, cơ quan tổ chức cán bộ của Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế kèm theo văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế.

4. Trường hợp hết thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này không phải khai lại tờ khai tham gia bảo hiểm y tế (trừ trường hợp có thay đổi về thông tin trên thẻ). Cơ quan tổ chức cán bộ của Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm rà soát, lập danh sách kèm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

Điều 10. Hình thức cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế

Đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này có thể đề nghị cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế bằng một trong hai hình thức như sau:

1. Trực tiếp đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế (trừ trường hợp thay đổi thông tin trên thẻ).

2. Đề nghị Công an đơn vị, địa phương có công văn gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 11. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày       tháng      năm 2019.

2. Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC ngày 28/12/2015 của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

4. Điều khoản chuyển tiếp

a) Hợp đồng cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này đã ký kết giữa Công an đơn vị, địa phương và cơ quan bảo hiểm xã hội trước khi Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn ghi trong hợp đồng;

b) Các quy định về mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng bảo hiểm y tế; kê khai, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với đối tượng là thân nhân của công nhân công an được thực hiện kể từ ngày Nghị định số 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Cục Tổ chức cán bộ

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế.

b) Phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính kiểm tra, hướng dẫn việc dự toán, quyết toán, bảo đảm đầy đủ, kịp thời phần kinh phí do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Trách nhiệm của Cục Kế hoạch và tài chính

a) Lập dự toán, bảo đảm đầy đủ, kịp thời phần kinh phí do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này (trừ đối tượng là sinh viên hệ dân sự); chỉ đạo cơ quan tài chính Công an đơn vị, địa phương thu, nộp, quyết toán tài chính bảo hiểm y tế đúng quy định; kiểm tra việc thực hiện các quy định về tài chính bảo hiểm y tế trong Công an nhân dân.

b) Phối hợp với Cục Tổ chức cán bộ kiểm tra việc tổ chức thực hiện và giải quyết những vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tại Công an đơn vị, địa phương.

c) Thực hiện quyết toán kinh phí đóng bảo hiểm y tế đối với phần kinh phí do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này với Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.

3. Trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, hướng dẫn và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này.

b) Tháng 11 hằng năm, quyết toán kinh phí đóng bảo hiểm y tế trong năm và chuyển kinh phí năm kế tiếp để cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc gia hạn thời hạn sử dụng thẻ đối với đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện bảo hiểm y tế trong năm về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và Cục Kế hoạch và tài chính.

Căn cứ tính chất đặc thù về cơ cấu tổ chức của đơn vị, Công an đơn vị, địa phương có thể phân cấp cho các đơn vị trực thuộc liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đóng quân thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế.

c) Tháng 6 hằng năm, lập dự toán phần ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế năm kế tiếp cho đối tượng quy định tại Điều 4 Thông tư này (cùng với dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) của năm sau, báo cáo Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và Cục Kế hoạch và tài chính.

d) Lập danh sách và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ giảm trừ kinh phí đóng bảo hiểm y tế trong trường hợp:

- Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế trong Công an nhân dân;

- Đối tượng quy định tại điểm b Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư này thôi học tại các trường Công an nhân dân (kết thúc khóa học, buộc thôi học hoặc chuyển sang học các trường không thuộc Bộ Công an);

- Cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an thôi phục vụ trong Công an nhân dân (nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ, bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân, buộc thôi việc, buộc thôi học) hoặc chuyển sang đối tượng khác không thuộc diện có thân nhân được hưởng bảo hiểm y tế.

4. Trách nhiệm của người lao động, học sinh, sinh viên và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân:

a) Thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế và chịu trách nhiệm đối với nội dung kê khai;

b) Sử dụng và hướng dẫn thân nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích. Trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trái mục đích, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện; nếu có vướng mắc, Công an đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Tổ chức cán bộ) để hướng dẫn kịp thời./.

Nơi nhận:

- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);

- Bộ Y tế;

- Bộ Tài chính;

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Công an đơn vị, địa phương (để thực hiện);

- BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

(để phối hợp thực hiện);

- Công báo Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Công an;

- Lưu: VT, V01, V03, X01 (P9).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Đại tướng Tô Lâm

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi