Dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội: 10 thay đổi đáng chú ý

Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo mới sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng căn bản và toàn diện. Sau đây là những thay đổi đáng chú ý tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới.


1. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu

Đây là một sự bổ sung cần thiết trong tương lai để góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội giải thích trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng khác.

Theo Điều 26 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác sẽ được nhận chế độ trợ cấp hưu trí xã hội với các quyền lợi sau:

- Trợ cấp hằng tháng = 500.000 đồng/người/tháng.

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- Người lo mai táng được trợ cấp 1 lần = 10 triệu đồng.


2. Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản

Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Tuy nhiên, dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng.

Theo Điều 100 dự thảo, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng bảo hiểm mà có vợ sinh con.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian vòng 12 tháng trước khi sinh con.

Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản = 02 triệu đồng/con sinh ra.

sửa luật bảo hiểm xã hội


3. Bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

So với quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 31 dự thảo đã bổ sung thêm một số đối tượng người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

- Người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương bằng hoặc cao hơn 02 triệu đồng.

- Chủ hộ kinh doanh.

- Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Na ở nước ngoài.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Quy định mới này được kỳ vọng sẽ đảm bảm hơn về quyền lợi cho các nhóm đối tượng người lao động.


4. Điều chỉnh giới hạn tiền lương/thu nhập đóng bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang đặt ra giới hạn đối với khoản tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

Loại bảo hiểm

Mức lương/thu nhập tối thiểu

Mức lương/thu nhập tối đa

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Mức lương tối thiểu vùng

(dao động từ 3,25 đến 4,68 triệu đồng/tháng, tùy vùng)

20 lần mức lương cơ sở

(hiện tương đương 29,8 triệu đồng/tháng)

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn

(hiện tương đương 1,5 triệu đồng/tháng)

20 lần mức lương cơ sở

(hiện tương đương 29,8 triệu đồng/tháng)

Do sửa Luật Bảo hiểm xã hội, dự thảo mới đã điều chỉnh lại giới hạn tiền lương/thu nhập đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Loại bảo hiểm

Mức lương/thu nhập tối thiểu

Mức lương/thu nhập tối đa

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

02 triệu đồng/tháng

36 triệu đồng/tháng

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

1,5 triệu đồng/tháng

36 triệu đồng/tháng

Lưu ý

Mức lương/thu nhập này sẽ còn được Chính phủ điều chỉnh dựa trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Thay đổi giới hạn tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
Thay đổi giới hạn tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)

5. Người mắc bệnh dài ngày không còn được hưởng full chế độ trong 180 ngày

Hiện nay, theo khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì được hưởng chế độ ốm đau trong tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Sau khi hết thời gian nghỉ này mà cần tiếp tục điều trị thì người lao động mới bị tính mức hưởng thấp hơn.

Tuy nhiên dự thảo mới đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày. Thay vào đó, Điều 47 quy định, thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động đều được xác định thời gian đóng bảo hiểm và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì.

Theo đó, người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường:

+ 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

+ 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn:

+ 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Sau khi hết thời gian nghỉ nói trên mà người mắc bệnh dài ngày vẫn cần tiếp tục điều trị thì vẫn được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau ở mức thấp hơn.

>> Để hiểu rõ hơn về các đề xuất mới, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192  để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.


6. Ấn định mức trợ cấp bảo hiểm cụ thể thay vì tính theo lương cơ sở

Rất nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện đang được tính toán theo lương cơ sở, đơn cử như: trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau, sau thai sản; trợ cấp 1 lần khi sinh con,…

Tuy nhiên tại dự thảo mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng quy định cụ thể từng loại trợ cấp trên:

Loại trợ cấp

Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Dự thảo

Luật Bảo hiểm xã hội mới

Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau

30% x Mức lương cơ sở

540.000 đồng/ngày

Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi

2 x Mức lương cơ sở

3,6 triệu đồng/con sinh ra

Trợ cấp dưỡng sức sau thai sản

30% x Mức lương cơ sở

540.000 đồng/ngày

Trợ cấp mai táng

10 x Mức lương cơ sở

14,9 triệu đồng

Trợ cấp tuất hằng tháng

- Thân nhân không có người nuôi dưỡng:

Trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở

- Trường hợp còn lại:

Trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức lương cơ sở

- Thân nhân không có người nuôi dưỡng:

Trợ cấp tuất hằng tháng = 900.000 đồng/tháng

- Trường hợp còn lại:

Trợ cấp tuất hằng tháng = 1,26 triệu đồng/tháng

Lưu ý: Khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội theo dự thảo mới sẽ được Chính phủ điều chỉnh theo chỉ số gia tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Việc bỏ cách tính trợ cấp bảo hiểm xã hội theo lương cơ sở được cho là để phù hợp với chính sách cải cách tiền lương, bãi bỏ lương cở sở trong tương lai.

Dự thảo mới quy định cụ thể tiền trợ cấp bảo hiểm
Dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định cụ thể tiền trợ cấp (Ảnh minh họa)

7. Mọi trường hợp phá thai đều được hưởng chế độ thai sản

Căn cứ Điều 57 dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, khi đình chỉ thai nghén, lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ được quy định như sau:

- Tối đa 10 ngày: Thai dưới 05 tuần tuổi.

- Tối đa 20 ngày: Thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.

- Tối đa 40 ngày: Thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi.

Trong đó, đình chỉ thai nghén là một thuật ngữ y học chỉ việc sử dụng các biện pháp can thiệp y tế nhằm chấm dứt sự phát triển của thai nhi, hiểu còn được hiểu đơn giản là trường hợp phá thai.

Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ giải quyết chế độ cho người lao động sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì mới được hưởng chế độ thai sản.

Nếu quy định này được thông qua, ngay cả khi lao động nữ phá thai ngoài ý muốn thì người này cũng vẫn được giải quyết hưởng chế độ thai sản.


8. Đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm được nhận lương hưu

Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng, ngoài điều kiện về tuổi, người lao động còn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (trừ trường hợp lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì chỉ cần đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm trở lên).

Dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội đã rút ngắn điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu với cả trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Căn cứ Điều 71 và Điều 105 dự thảo, người lao động chỉ cần tích lũy từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì sẽ có cơ hội được giải quyết hưởng lương hưu khi đủ tuổi.

Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc rút tiền 1 lần sau thời điểm Luật mới có hiệu lực thì ở lần đóng bảo hiểm sau phải tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng lương hưu, trừ trường hợp nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động.

Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để nhiều người lao động được lãnh lương hưu hơn trong tương lai.

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể nhận lương hưu Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể nhận lương hưu (Ảnh minh họa)

9. Có thể chỉ được rút trước 50% tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

Đây là một trong 02 phương án mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đề xuất đối với trường hợp có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau khi nghỉ việc mà không thuộc các trường đặc biệt như đủ tuổi nghỉ hưu, ra nước ngoài định cư, mức bệnh nguy hiểm,… Cụ thể Bộ này đề xuất:

Phương án 01: Người lao động được rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Phương án 02: Người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nếu có yêu cầu nhưng chỉ được giải quyết hưởng tối đa 50% tổng thời gian đã đóng. Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi.

Phương án 2 được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau khi nghỉ việc như hiện nay. Nếu phương án này được thông qua, người lao động chỉ được rút bảo hiểm xã hội 1 lần với tối đa 50%, sau đó phải chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới được rút nốt số tiền còn lại.

Đây là phương án nhận được khá nhiều phản ứng tiêu cực đến từ một bộ phận người dân. Bởi họ cho rằng nếu chỉ rút 50% tiền bảo hiểm xã hội một lần thì không đủ giúp họ trang trải khó khăn hoặc không đủ để làm vốn buôn bán nhỏ lẻ,…


10. Thu hẹp phạm vi thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới, khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không may qua đời, trợ cấp tuất chỉ được chi trả cho những thân nhân sau đây nếu họ đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định:

- Con của người lao động.

- Vợ/chồng của người lao động.

- Cha, mẹ đẻ, cha mẹ của vợ/chồng của người lao động.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những thân nhân là thành viên khác trong gia đình mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có nghĩa vụ nuôi dưỡng vẫn đang được chi trả trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng (tùy trường hợp).

Nếu quy định này được Quốc hội thông qua, những người thân là người mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng sẽ không còn được hưởng trợ cấp tuất khi người lao động chết.

Chú ý: Đây mới chỉ là các đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra và đang lấy ý kiến, chứ chưa phải quy định chính thức.

Theo lộ trình đề ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới sẽ trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (diễn ra vào tháng 10/2023).

Dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội mới sẽ được các đại biểu Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 và có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/01/2025.

Trên đây là những nội dung sửa Luật Bảo hiểm xã hội đáng chú ý có thể sẽ được đưa vào thực hiện trong tương lai. Để hiểu rõ hơn về các nội dung trên, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(8 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm: Tất tật quyền lợi được hưởng

Đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm: Tất tật quyền lợi được hưởng

Đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm: Tất tật quyền lợi được hưởng

Nếu đã đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm, người lao động có thể an tâm chờ lĩnh lương hưu khi về già. Tuy nhiên quyền lợi dành cho người lao động không chỉ có vậy. Sau đây là tất tật các quyền lợi dành cho người đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm.