Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì được nhận lương hưu?

Không có việc làm ổn định, không ít người đã lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội dưới phương thức tự nguyện để có đồng ra đồng vào khi về già. Vậy phải đóng bao lâu thì được nhận lương hưu?

1. Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng lương hưu?

Căn cứ theo Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2019 bởi Bộ luật Lao động, điều kiện để được hưởng lương hưu là:

- Đạt đủ  tuổi nghỉ hưu theo quy định.

- Có thời gian đóng BHXH tự nguyện là đủ 20 năm trở lên.

Trong trường hợp, người lao động đủ điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì người lao động được đóng cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019 quy định độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Vậy, để được hưởng lương hưu thì người lao động phải đóng BHXH tự nguyện từ đủ 20 năm và đáp ứng được điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: 6 cách đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu

Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì được nhận lương hưu?

Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì được nhận lương hưu? (Ảnh minh họa)

2. Mức lương hưu khi đóng BHXH tự nguyện

Khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, theo Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng với số tiền:

Lương hưu hàng tháng

=

Tỷ lệ hưởng lương hưu

x

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu:

Từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm như sau:

Lao động nam

Nghỉ hưu năm 2018

16 năm

Sau đó cứ mỗi năm, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%

Nghỉ hưu năm 2019

17 năm

Nghỉ hưu năm 2020

18 năm

Nghỉ hưu năm 2021

19 năm

Nghỉ hưu từ năm 2022

20 năm

Lao động nữ

Nghỉ hưu từ năm 2018

15 năm

- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH:

Bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.

Ngoài lương hưu hàng tháng, nếu người tham gia có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì được nhận trợ cấp 1 lần: Cứ mỗi năm đóng cao hơn thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Đồng thời, trong một số trường hợp như đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng mà không tiếp tục đóng; ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, HIV/AIDS…) thì người tham gia còn được nhận BHXH một lần theo số năm đã đóng:

- Đóng trước năm 2014, mỗi năm được 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH;

- Đóng sau năm 2014, mỗi năm được 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH;

-  Đóng chưa đủ 01 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

BHXH tự nguyện là loại hình do người lao động tự nguyện tham gia, được tự do lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với nhu cầu người lao động nhằm hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2019 thì người lao động muốn tham gia BHXH tự nguyện phải thỏa mãn 02 điều kiện sau:

  • Là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên;

  • Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2019.

Như vậy, đối tượng tham gia loại hình này là những người làm công việc tự do, không làm việc theo chế độ hợp đồng lao động ở bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào.

Trong những năm gần đây, nhận thấy những lợi ích mà BHXH mang lên nên tỷ lệ người lao động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng và tăng rất nhanh.

Căn cứ theo Điều 9, Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định phương thức đóng và mức đóng cụ thể mà người lao động cần tiến hành để được hưởng lương hưu, cụ thể như sau:

  • Đóng hằng tháng: Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng;

  • Đóng 03 tháng một lần: Mức đóng bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3;

  • Đóng 06 tháng một lần: Mức đóng bằng mức đóng hàng tháng nhân với 6;

  • Đóng 12 tháng một lần: Mức đóng bằng mức đóng hàng tháng nhân với 12;

  • Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần: Mức đóng bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

  • Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu: Mức đóng bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.​

Như vậy, qua bài viết này đã giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về câu hỏi Người lao động đóng bhxh tự nguyện bao lâu được hưởng lương hưu? Nếu có thắc mắc về các vấn đề liên quan đến BHXH tự nguyện, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ.

>> Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Tất cả thông tin quan trọng cần biết

Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục