Có được đóng BHXH tự nguyện 1 lần để về hưu sớm?

Một trong những điều kiện để người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng lương hưu là phải đóng đủ số năm theo quy định. Vậy nếu muốn về hưu sớm thì có được đóng BHXH tự nguyện một lần không?


Các điều kiện người lao động được nghỉ hưu sớm

Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Tuy nhiên, khi đã đóng BHXH ít nhất 20 năm thì trong các tường hợp sau đây, người lao động có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn:

- Bị suy giảm khả năng lao động;

- Làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014:

+ Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

+ Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

+ Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

- Làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

Với người bị suy giảm khả năng lao động, Điều 55 Luật BHXH nêu rõ, người lao động đóng đủ 20 năm BHXH trở lên và suy giảm khả năng lao động thì được nghỉ hưu sớm khi:

- Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi;

- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, có thể thấy, để được về hưu trước tuổi, người lao động bắt buộc phải tham gia BHXH ít nhất 20 năm và đáp ứng thêm một trong các điều kiện nêu trên.

Xem thêm

Đáng chú ý, từ năm 2021, khi Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định tăng hơn so với quy định hiện nay. Kéo theo đó, điều kiện để được nghỉ hưu sớm của người lao động cũng thay đổi. Cụ thể tại bài viết: Những người được nghỉ hưu sớm theo Bộ luật Lao động mới.


Có được đóng BHXH tự nguyện 1 lần để về hưu sớm? (Ảnh minh họa)


Để về hưu sớm, có thể đóng BHXH tự nguyện 1 lần?

Các phương thức đóng BHXH tự nguyện được quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:

- Đóng hằng tháng;

- Đóng 03 tháng một lần;

- Đóng 06 tháng một lần;

- Đóng 12 tháng một lần;

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần;

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Ngoài ra, theo phân tích ở trên, để được về hưu sớm, người lao động phải đóng ít nhất 20 năm BHXH và bị suy giảm khả năng lao động hoặc làm công việc độc hại, nặng nhọc hoặc làm việc ở vùng sâu, vùng xa…

Căn cứ quy định trên, việc đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu với trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi được hưởng lương hưu mà thiếu không quá 120 tháng sẽ không áp dụng với người nghỉ hưu trước tuổi.

Thay vào đó, nếu còn không quá 05 năm để đủ 20 năm đóng BHXH, đáp ứng các điều kiện khác để về hưu trước tuổi thì có thể đóng một lần nhưng không quá 05 năm một lần để được hưởng lương hưu.

Trên đây là quy định về việc đóng BHXH tự nguyện một lần để được về hưu sớm. Để tìm hiểu kỹ hơn các quy định về nghỉ hưu trước tuổi cho người lao động, độc giả đọc bài viết dưới đây:

>> Nghỉ hưu trước tuổi cho người lao động - Toàn bộ thông tin cần biết

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?