Để hưởng trọn các chế độ, người lao động đóng bảo hiểm xã hội có cần liên tục không? Thực tế không ít người lao động có ý định nhảy việc nhưng quan ngại về vấn đề trên nên vẫn chần chừ chưa xin nghỉ. Sau đây là câu trả lời chi tiết.
1. Đóng bảo hiểm xã hội có cần liên tục không?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Nhà nước tổ chức theo 02 loại hình là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Dù tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức nào, pháp luật cũng không yêu cầu người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội liên tục.
Bởi theo khoản 5 Điều 3 Luật BHXH năm 2014, thời gian đóng BHXH tính hưởng chế độ của người lao động được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH được xác định bằng tổng các khoảng thời gian đã đóng BHXH.
Theo đó, người lao động không cần đóng bảo hiểm xã hội liên tục trong toàn bộ quá trình tham gia.
Thời gian đóng BHXH xét hưởng chế độ của người lao động sẽ được cộng dồn cho tất cả các giai đoạn mà người đó đã đóng BHXH mà chưa hưởng BHXH 1 lần.
2. Đóng bảo hiểm không liên tục có được lãnh lương hưu, trợ cấp?
Khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ có cơ hội được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Theo Luật BHXH năm 2014, người lao động muốn được hưởng lương hưu cùng một số loại trợ cấp BHXH thì phải đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia BHXH.
Đơn cử có thể kể đến như:
- Trường hợp muốn hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp muốn hưởng lương hưu khi đủ tuổi theo quy định thì phải đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên,…
Tuy nhiên, không có quy định nào của pháp luật yêu cầu người lao động phải đóng BHXH liên tục thì mới được hưởng chế độ.
Do đó, người đóng bảo hiểm xã hội không liên tục vẫn được lãnh lương hưu, trợ cấp BHXH nếu đã tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm mà pháp luật yêu cầu. Các giai đoạn đóng BHXH của người lao động sẽ được cộng dồn để thanh toán tiền chế độ.
3. Đã ngừng đóng BHXH nhiều năm, làm thế nào để đóng tiếp?
Trường hợp đã ngừng đóng BHXH nhiều năm mà muốn đóng tiếp để sau này hưởng hưởng hưu khi về già, người lao động có thể đăng ký tiếp tục tham gia BHXH theo một trong 02 cách sau
Cách 1. Ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp để được đóng BHXH bắt buộc
Theo khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ được đóng BHXH bắt buộc.
Mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động là 8% tiền lương tháng. Hằng tháng, người lao động đóng tiền bảo hiểm cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp chuyển số tiền này cho cơ quan BHXH.
Cách 2. Đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương
Thay vì đi làm để đóng BHXH bắt buộc, người lao động cũng có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương nơi mình cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người lao động có thể chọn đóng bảo hiểm xã hội theo các phương thức sau:
- Đóng hàng tháng.
- Đóng 03 tháng/lần.
- Đóng 06 tháng/lần.
- Đóng 12 tháng/lần.
- Đóng không quá 05 năm/lần.
- Đóng 1 lần cho số năm còn thiếu (không quá 10 năm) để hưởng lương hưu.
Mức đóng BHXH tự nguyện được tính bằng 22% mức thu nhập mà người đó chọn đóng bảo hiểm. Người lao động còn được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích tham gia.
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Đóng bảo hiểm xã hội có cần liên tục không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được các chuyên gia của LuatVietnam tư vấn sớm nhất.