Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không?

Do đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ trước nên khi đi làm, người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không? Câu trả lời sẽ được gửi đến bạn đọc ngay trong bài viết sau đây.


1. Trường hợp nào phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?

Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm tại doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau:

* Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội:

Theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, những người lao động sau đây phải đóng bảo hiểm xã hội khi đi làm bao gồm:

- Người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.

- Người lao động Việt Nam làm công việc quản lý doanh nghiệp mà có hưởng tiền lương.

- Người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề hợp pháp mà có hợp đồng lao động từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

* Trường hợp đóng bảo hiểm y tế:

Theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.

Ai phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?
Ai phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế? (Ảnh minh họa)

2. Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không?

Người lao động đi làm đáp ứng các điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì đều phải đóng các loại bảo hiểm này.

Hằng tháng, người sử dụng lao động sẽ trích tiền đóng bảo hiểm từ quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm và trích một phần tiền lương tháng của từng người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cùng một lúc cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, hầu hết các trường hợp đều phải đóng đồng thời cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Ngay cả khi người lao động đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hoặc mua bảo hiểm y tế tự nguyện trước đó thì khi đi làm mà có ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên với doanh nghiệp thì người này vẫn phải đóng bảo hiểm y tế cho doanh nghiệp.

Bởi theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế, khi người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự:

(1) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

(2) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

(3)  Nhóm tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
(4) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

(5) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Do đó dù đã có thẻ bảo hiểm y tế trước đó nhưng một khi đi làm, người lao động vẫn phải đóng cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chứ không được lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng bảo hiểm y tế.

Lưu ý: Riêng trường hợp người lao động làm việc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không phải đóng bảo hiểm y tế.

Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không?
Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được không? (Ảnh minh họa)

3. Đóng bảo hiểm y tế theo diện doanh nghiệp, mức hưởng thế nào?

Theo Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp sẽ có mức hưởng là 80%.

Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục hoặc đồng thời thuộc các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác thì người lao động sẽ được hưởng tỷ lệ thanh toán cao hơn. Cụ thể:

- Được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục mà đã có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.
  • Người lao động thuộc hộ gia đình nghèo.
  • Người lao động thuộc dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.
  • Người lao động đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ,…

- Được thanh toán 95% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Người thuộc hộ cận nghèo
  • Thân nhân của người có công với cách mạng (trừ cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ),…

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế được không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Dưới đây là thông tin về mức xử phạt đối với người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện.

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Theo đó, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 với nhiều quy định liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là những người mắc các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo từ 01/01/2025.