Đóng BHXH dựa trên mức lương nào? Tự đóng cao hơn được không?

Thực tế, mức lương mà người lao động đang nhận chưa chắc là mức lương đóng bảo hiểm của người đó. Vậy mỗi người lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương nào?


1. Đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương nào?

Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm tại doanh nghiệp thường sẽ đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Bởi theo khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được xác định bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Căn cứ khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, mức lương đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm

=

Mức lương theo công việc/chức danh

+

Phụ cấp lương bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động

+

Khoản bổ sung xác định cụ thể, được trả thường xuyên trong kỳ trả lương

Trong đó, mức lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ không tính đến các khoản tiền sau đây:

- Tiền hưởng hiệu quả công việc.

- Tiền thưởng sáng kiến.

- Tiền ăn giữa ca

- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.

- Khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp khi gặp hoàn cảnh khó khăn do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Lưu ý, mức lương đóng bảo hiểm xã hội bị giới hạn mức tối đa. Theo khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối đa = 20 lần lương cơ sở.

Đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương nào?
Đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương nào? (Ảnh minh họa)

2. Xin đóng bảo hiểm xã hội với mức lương cao hơn được không?

Từ những phân tích tại Mục 1, có thể thấy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được xác định theo hợp đồng lao động với số tiền mang tính chất cố định, được chi trả thường xuyên ở mỗi kỳ trả lương.

Người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo đúng khoản tiền đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Do đó, việc xin đóng bảo hiểm ở mức lương cao hơn sẽ không được cơ quan bảo hiểm xã hội chấp nhận.

Nếu người lao động chủ động xin đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn và chấp nhận đóng bù phần chênh lệch của người sử dụng lao động thì phía người sử dụng lao động cũng không nên đồng ý.

Bởi nếu tự ý kê khai mức lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn so với mức lương đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 12 - 15% tổng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.


3. Làm thế nào để biết mức lương đang đóng bảo hiểm xã hội?

Hằng tháng, người lao động đều đóng bảo hiểm xã hội thông qua doanh nghiệp. Nhiều trường hợp thỏa thuận nhận lương net nên không biết chính xác mức lương đóng bảo hiểm xã hội của mình là bao nhiêu.

Sau đây, LuatVietnam sẽ hướng dẫn bạn đọc 02 cách để kiểm tra mức lương đang đóng bảo hiểm xã hội của mình.

Cách 1: Sử dụng tính năng Tra cứu quá trình tham gia BHXH trên Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bước 1: Truy cập link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx

Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin và ấn Tra cứu.

tra cứu lương đóng bảo hiểm xã hội ảnh 1

Bước 3: Xem thông tin chi tiết về mức lương đóng bảo hiểm xã hội bên dưới.

tra cứu lương đóng bảo hiểm xã hội ảnh 2

Cách 2: Sử dụng ứng dụng VssID.

Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID.

Bước 2: Chọn Quá trình tham gia.

tra cứu lương đóng bảo hiểm xã hội ảnh 3

Bước 3: Chọn biểu tượng con mắt để xem mức lương đóng bảo hiểm xã hội.

tra cứu lương đóng bảo hiểm xã hội ảnh 3

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương nào?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được các chuyên gia của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?