Đóng bảo hiểm xã hội cần những giấy tờ gì? Thủ tục ra sao?

Ai tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu chắc hẳn đều thắc mắc: “Đóng bảo hiểm xã hội cần những giấy tờ gì?” Câu trả lời sẽ được LuatVietnam gửi đến bạn đọc ngay sau đây.


1. Đóng bảo hiểm xã hội cần những giấy tờ gì?

Để trả lời cho câu hỏi “đóng bảo hiểm xã hội cần những giấy tờ gì?” cần căn cứ vào các quy định về hồ sơ, giấy tờ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo Điều 23 và Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, hồ sơ tham gia BHXH bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Đóng BHXH bắt buộc cần những giấy tờ sau:

(1) Giấy tờ do người lao động chuẩn bị bao gồm:

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
  • Trường hợp được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn do thuộc đối tượng đặc biệt: Nộp bổ sung giấy tờ chứng minh.

(2) Giấy tờ do đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị bao gồm:

  • Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
  • Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-LT).
  • Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

Người lao động nộp giấy tờ cho doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH quản lý.

- Đóng BHXH tự nguyện cần những giấy tờ sau:

Người lao động chuẩn bị giấy tờ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

Người lao động nộp giấy tờ cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH để đăng ký đóng BHXH tự nguyện.

Đóng bảo hiểm xã hội cần những giấy tờ gì? (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện thế nào?

Căn cứ Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH và hướng dẫn tại Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, thủ tục đóng bảo hiểm xã hội đối với mỗi loại hình bảo hiểm được thực hiện như sau:

- Thủ tục đóng BHXH bắt buộc:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Hình thức nộp: Qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp hoặc nộp online qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam/tổ chức I-VAN.

Bước 3: Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH và thẻ bảo hiểm y tế.

Thời hạn giải quyết: Tối đa 05 ngày.

Lệ phí: Không mất phí đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.

- Thủ tục đóng BHXH tự nguyện:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Bước 2: Người lao động nộp hồ sơ cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú (thường trú/tạm trú).

Hình thức nộp: Trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc nộp online qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Bước 3: Người lao động đóng tiền BHXH tự nguyện cho đại lý thu/cơ quan BHXH.

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức thu nhập tháng đóng BHXH. Hằng tháng, người lao động phải đóng 22% mức thu nhập mà mình lựa chọn.

Bước 4: Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH cho người lao động.

Thời hạn giải quyết: Tối đa 05 ngày.

Thủ tục đóng bảo hiểm xã hội lần đầu tiến hành ra sao? (Ảnh minh họa)

3. Không đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, có bị phạt không?

Bảo hiểm xã hội được tổ chức theo 02 loại hình là bắt buộc và tự nguyện. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia dựa theo nhu cầu của bản thân.

Tuy nhiên, với BHXH bắt buộc, nếu thuộc diện tham gia mà không đăng ký đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

- Người lao động bị phạt từ 500.000 đến 01 triệu đồng nếu thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc (theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

- Người sử dụng lao động bị phạt:

+ Phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc nhưng không quá 75 triệu đồng: Không đóng BHXH cho một hoặc một số người lao động tại doanh nghiệp (theo khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

+ Phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc nhưng không quá 75 triệu đồng: Không đóng BHXH cho toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp (theo khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Đóng bảo hiểm xã hội cần những giấy tờ gì?” Nếu gặp vấn đề liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?