Ngày 01/4/2021 tới đây, mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới sẽ chính thức được cấp trên toàn quốc, thay thế cho mẫu thẻ BHYT cũ trước đây. Vậy người dân phải đến đâu để được đổi BHYT mẫu mới?
Từ 01/4/2021, đổi thẻ BHYT mẫu mới cho đối tượng nào?
Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành mẫu thẻ BHYT mới với nhiều tiện ích so với mẫu thẻ cũ tại Quyết định số 1313/QĐ-BHXH như kích thước nhỏ gọn, ép plastic, mã số ngắn gọn, thêm nhiều thông tin hướng dẫn,… Vậy ai sẽ được đổi sang loại thẻ mới này?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Quyết định 1666/QĐ-BHXH:
2. Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT theo quy định tại Quyết định này, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT.
Từ quy định trên, có thể thấy, những người đang sở hữu thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để đi KCB BHYT. Nói cách khác, nếu không có thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, người tham gia BHYT sẽ được cấp mẫu thẻ BHYT mới tại Quyết định 1666.
Kéo theo đó, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cấp cho các đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Cấp mới thẻ BHYT cho người tham gia;
- Cấp lại thẻ BHYT cho người bị mất thẻ BHYT;
- Cấp lại thẻ BHYT do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.
Chú ý: Không phải tất cả thẻ BHYT được cấp từ ngày 01/4/2021 đều là mẫu thẻ mới. Bởi theo khoản 1 Điều 4 Quyết định 1666/QĐ-BHXH, tại các địa phương còn phôi thẻ BHYT theo mẫu cũ chưa sử dụng hết thì vẫn tiếp tục cấp mẫu thẻ BHYT cũ cho người tham gia BHYT.
Xem thêm: 5 thay đổi của mẫu thẻ BHYT mới có lợi cho người dânĐổi thẻ bảo hiểm y tế ở đâu?(Ảnh minh họa)
Đến đâu để đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới?
Như đã phân tích, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cho cấp mới hoặc cấp lại (mất, rách, hỏng, thay đổi thông tin) cho người tham gia. Căn cứ Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT mà nơi cấp mới, đổi thẻ BHYT sẽ là khác nhau. Cụ thể:
- Người được tổ chức BHXH đóng BHYT: Đến Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
+ Riêng trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
Ví dụ: Ông A là người lao động đang hưởng lương hưu, hiện nay ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sắp tới ông A muốn đổi thẻ BHYT mẫu mới thì có thể đến UBND phường Dịch Vọng Hậu hoặc cơ quan BHXH quận Cầu Giấy để làm thủ tục đổi.
- Người được ngân sách nhà nước đóng BHYT: Đến UBND xã.
Ví dụ: Bà B là cựu chiến binh được ngân sách nhà nước đóng BHYT, hiện đang ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, tỉnh Hải Phòng. Từ 01/4/2021, bà B có thể đến UBND thị trấn Cát Bà để đổi thẻ BHYT mẫu mới.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể: Đến cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT: Đến Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
Trong đó, người tham gia BHYT thuộc đối tượng này có thể đến Đại lý thu BHXH gần nhất hoặc cơ quan BHXH huyện/tỉnh nơi mình cư trú để được đổi thẻ. Để tra cứu thông địa chỉ Đại lý thu gần nhất, người dân có thể tra cứu tại đây.
+ Riêng học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường: Nộp hồ sơ cho nhà trường để được đổi thẻ.
- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình: Đến Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
- Người tham gia BHYT đóng tại doanh nghiệp: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để được đổi thẻ.
Thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới
Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, việc tham gia, đổi thẻ BHYT để được cấp mẫu thẻ BHYT mới được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
- Người hiến bộ phận cơ thể: Có thêm Giấy ra viện;
- Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng tiền
Địa điểm nộp hồ sơ: Người tham gia BHYT nộp hồ sơ tại các địa điểm được nêu ở mục trên: UBND cấp xã, cơ quan BHXH tỉnh/huyện, đơn vị sử dụng lao động, nhà trường.
Đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, Đại lý thu/nhà trường phải hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH.
Trường hợp tham gia BHYT để cấp mới thẻ BHYT phải đóng tiền BHYT theo mức của đối tượng tham gia.
Trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT sẽ không mất phí (Căn cứ điểm d Khoản 2 Điều 23 Luật Phí và lệ phí 2015).
Bước 3: Nhận thẻ BHYT
Người dân nhận thẻ BHYT tại nơi mình đã nộp hồ sơ.
Thời hạn giải quyết:
- Cấp mới: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Cấp mới với người hưởng trợ cấp thất nghiệp: Không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
- Cấp lại, đổi thẻ BHYT:
+ Không thay đổi thông tin: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
+ Thay đổi thông tin: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
Thời hạn này được tính từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về việc đổi thẻ bảo hiểm y tế ở đâu. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Mức hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh mới nhất
>> Thẻ bảo hiểm y tế: 12 thông tin cần biết khi sử dụng