Đổi Căn cước công dân ảnh hưởng thế nào tới người lao động?

Như tin đã đưa, từ năm nay, Căn cước công dân sẽ được cấp thống nhất trên cả nước, thay vì một số tỉnh, thành như trước đây. Việc này sẽ ảnh hưởng thế nào tới người lao động? Dưới đây là những phân tích của LuatVietnam.

Đổi Căn cước công dân phải đổi sổ bảo hiểm xã hội?

Căn cứ Điều 27 Quyết định 595 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) khi:

- Sổ bảo hiểm xã hội mất, hỏng;

- Sổ bảo hiểm xã hội có sự thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch.

Đồng thời, Công văn số 3835/BHXH-CST ngày 27/9/2013 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và Chứng minh nhân dân có nêu:

Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số Chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.

Với những quy định này có thể khẳng định, người lao động đổi từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân hoặc thay đổi bất cứ thông tin nào trên các loại thẻ này đều không phải đổi sổ BHXH.

Tuy nhiên, số Chứng minh nhân dân hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quan trọng để quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm của cơ quan BHXH.

Chính vì vậy, người lao động nên điều chỉnh thông tin BHXH của mình bằng cách lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS) để cơ quan BHXH cập nhật trong cơ sở dữ liệu.

Xem chi tiết tại đây.

Đổi Căn cước công dân ảnh hưởng thế nào tới người lao động?

Đổi Căn cước công dân ảnh hưởng thế nào tới người lao động? (Ảnh minh họa)

Cơ quan thuế cũng cần biết việc đổi Căn cước công dân

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 95/2016/TT-BTC, trường hợp đã đăng ký thuế mà có thay đổi một trong các thông tin trên tờ khai đăng ký thuế, bảng kê kèm theo tờ khai thì phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Trong khi đó, số Chứng minh nhân dân hay số Căn cước công dân lại là một trong những thông tin cần kê khai khi đăng ký thuế.

Khi người lao động đã đăng ký thuế với cơ quan thuế mà chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân thì đồng nghĩa với việc một trong những thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế trước đó đã có sự thay đổi.

Do vậy, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ đổi Căn cước công dân, người lao động cần thay đổi thông tin đăng ký thuế thông qua doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị (nơi tổ chức chi trả thu nhập) hoặc tự mình thực hiện.

Điều 13 Thông tư này quy định hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế như sau:

* Trường hợp người lao động trực tiếp thay đổi thông tin với cơ quan thuế

- Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế (mẫu số 08-MST);

- Bản sao không yêu cầu chứng thực Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân còn hiệu lực.

* Trường hợp người lao động thay đổi thông tin qua tổ chức chi trả thu nhập

- Người lao động gửi bản sao không yêu cầu chứng thực Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân cho tổ chức chi trả thu nhập;

- Tổ chức chi trả thu nhập lập Tờ khai đăng ký thuế tổng hợp cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thông qua cơ quan chi trả thu nhập (mẫu số 05-ĐK-TH-TCT). Trên tờ khai đánh dấu vào ô “Thay đổi thông tin đăng ký thuế” và ghi các thông tin đăng ký thuế có thay đổi.

Khi có đủ giấy tờ, người lao động hoặc tổ chức chi trả thu nhập nộp hồ sơ tới cơ quan thuế để được cập nhật các thông tin thay đổi vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Nếu chậm việc kê khai thay đổi thông tin thì người lao động sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 7 Thông tư 166/2013/TT-BTC (bằng 1/2 mức phạt với tổ chức chi trả thu nhập vi phạm quy định). Cụ thể:

- Phạt cảnh cáo nếu thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 - 10 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ;

- Phạt tiền 350.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 200.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 500.000 đồng nếu thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 - 30 ngày (trừ trường hợp nêu trên);

- Phạt tiền 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 01 triệu đồng nếu thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn quy định trên 30 ngày hoặc không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.

Trên đây là phân tích của LuatVietnam về những ảnh hưởng của việc đổi Căn cước công dân đối với người lao động. Người lao động nên nắm rõ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

>> Năm 2020, người dân bắt buộc phải đi đổi CMND sang CCCD?

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục