Điều kiện hưởng chế độ ốm đau là một trong những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm khi gặp vấn đề về sức khỏe. Vậy theo quy định hiện hành, điều kiện hưởng chế độ ốm đau mà người lao động cần đáp ứng là gì?
1. Người lao động nào có cơ hội hưởng chế độ ốm đau?
Theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 và Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, đối tượng áp dụng chế độ ốm đau bao gồm cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động là công dân Việt Nam:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người lao động nước ngoài: Làm việc tại Việt Nam mà có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề và có hợp đồng lao động từ đủ 01 năm trở lên, trừ trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và người đã đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động sẽ được giải quyết hưởng chế độ nếu đáp ứng điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
* Trường hợp bản thân người lao động gặp vấn đề về sức khỏe:
Người này phải đáp ứng đồng thời 03 điều kiện sau:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động mà phải nghỉ việc
- Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh.
- Không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.
* Trường hợp con của người lao động gặp vấn đề về sức khỏe:
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.
- Việc con bị ốm đau phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
3. Người lao động đủ điều kiện được nghỉ ốm đau bao nhiêu ngày?
Nếu đáp ứng điều kiện hưởng chế độ ốm đau nêu tại mục 2, người lao động sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Căn cứ Điều 26 và Điều 27 Luật BHXH năm 2014 tùy vào từng trường hợp nghỉ ốm đau mà thời gian nghỉ của người lao động sẽ được quy định khác nhau. Cụ thể như sau:
* Trường hợp bản thân người lao động gặp vấn đề về sức khỏe:
Thời gian nghỉ ốm đau được thực hiện theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền nhưng tối đa không quá các mốc thời gian sau đây:
- Người làm việc trong điều kiện bình thường:
- Nghỉ tối đa 30 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH dưới 15 năm.
- Nghỉ tối đa 40 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm - dưới 30 năm.
- Nghỉ tối đa 60 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
- Người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên:
- Nghỉ tối đa 40 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH dưới 15 năm.
- Nghỉ tối đa 50 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm - dưới 30 năm.
- Nghỉ tối đa 70 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
- Người nghỉ làm do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:
- Nghỉ tối đa 180 ngày/năm.
- Hết 180 ngày mà vẫn cần điều trị thì được nghỉ tiếp thời gian bằng thời gian đã đóng BHXH.
* Trường hợp con của người lao động gặp vấn đề về sức khỏe:
- Con dưới 03 tuổi, người lao động được nghỉ:
Thời gian tối đa = 20 ngày làm việc/năm.
- Con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi, người lao động được nghỉ:
Thời gian tối đa = 15 ngày làm việc/năm.
Trên đây là những nội dung đáng chú ý về điều kiện hưởng chế độ ốm đau mà bất kì người lao động nào cũng nên biết.
Nếu gặp vướng mắc về chế độ ốm đau, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.