- 1. Từ 01/01/2025, người mắc bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện
- 2. Người mắc bệnh hiểm nghèo chuyển lên thẳng tuyến cuối vẫn được hưởng 100% BHYT
- 3. Khám chữa bệnh ngoại tỉnh nếu đăng ký lưu trú vẫn có thể hưởng 100% mức BHYT
- 4. Hạn chế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp chuyên sâu
- 5. Triển khai phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến trên VNeID
- 6. Thực hiện phân bổ thẻ BHYT ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu
1. Từ 01/01/2025, người mắc bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện
Theo quy định trước đây, nếu muốn điều trị tại tuyến trên, người bệnh phải xin giấy chuyển tuyến hàng năm, vì cứ 31/12 hàng năm là hết hạn giấy chuyển tuyến được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, khiến người bệnh buộc phải làm thủ tục xin chuyển tuyến, rất vất vả, và nhiều khi phải đi lại xa xôi...
Tuy nhiên, từ 01/01/2025, người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao thuộc danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được ban hành tại Phụ lục I Thông tư 01/2025/TT-BYT có thể đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu để điều trị mà không cần phải xin giấy chuyển viện như trước đây.
Cụ thể, danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo gồm:
STT | Tên bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp | Mã ICD-10 | Tình trạng, điều kiện |
1 | Viêm màng não do lao (G01*) | A17.0† | |
2 | U lao màng não (G07*) | A17.1† | |
3 | Lao khác của hệ thần kinh | A17.8† | |
4 | Lao hệ thần kinh, không xác định (G99.8*) | A17.9† | |
5 | Nhiễm mycobacteria ở phổi | A31.0 | |
6 | Nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính | B39.0 | |
7 | Nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính | B40.0 | |
8 | Nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi | B41.0 | |
9 | Nhiễm sporotrichum ở phổi (J99.8*) | B42.0† | |
10 | Nhiễm aspergillus ở phổi xâm lấn | B44.0 |
Xem chi tiết danh mục 62 bệnh hiểm nghèo được khám ở cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển tuyến.
Như vậy, so với danh mục cũ, có thể thấy danh mục mới đã bổ sung thêm 20 loại bệnh được liệ tvào danh mục bệnh hiếm gặp, bệnh hiểm nghèo được quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
2. Người mắc bệnh hiểm nghèo chuyển lên thẳng tuyến cuối vẫn được hưởng 100% BHYT
Nếu không may mắc phải một trong 62 bệnh, nhóm bệnh hiểm nghèo như đã nêu tại mục 1, ngoài việc được “đi thẳng” lên khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển tuyến thì người bệnh còn được BHYT thanh toán 100% mức hưởng theo quy định.
(Căn cứ: Khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2025/TT-BYT)
Ví dụ: Người bệnh thuộc nhóm đối tượng có mức hưởng đồng chi trả 20% sẽ được thanh toán đủ 80% và chỉ còn phải chi trả 20% viện phí. Tương tự như vậy ở nhóm đối tượng đồng chi trả 5% hay 0%….
Trường hợp tại cột tình trạng, điều kiện trong danh mục bệnh có quy định người bệnh được hưởng quyền lợi ngay trong lượt khám bệnh, chữa bệnh có kết quả chẩn đoán xác định mắc bệnh thì người bệnh được hưởng ngay theo quy định đó.
Ví dụ: Tại Phụ lục I có bệnh u ác ở tụy mã bệnh C25 thì người bệnh được hưởng như sau:
Trường hợp 1: Người bệnh đã được bệnh viện A thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc cơ bản chẩn đoán xác định mắc bệnh u ác ở tụy - mã bệnh C25 thì người bệnh được hưởng quyền lợi theo quy định tại Điều này khi tự đến khám bệnh, chữa bệnh u ác ở tụy - mã bệnh C25 tại bệnh viện B thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.
Trường hợp 2: Người bệnh tự đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện B thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu và được bệnh viện B chẩn đoán xác định mắc bệnh u ác ở tụy - mã bệnh C25 thì người bệnh được hưởng quyền lợi theo quy định tại Điều này ngay trong lần khám bệnh, chữa bệnh này tại bệnh viện B đối với việc khám bệnh, chẩn đoán xác định mắc bệnh u ác ở tụy - mã bệnh C25 và điều trị bệnh này.
Nói tóm lại: Trường hợp người bệnh mắc 62 bệnh lý theo Phụ lục I khi được chẩn đoán, xác định ở cấp ban đầu thì sẽ được hưởng 100% mức hưởng BHYT theo quy định khi tự đến cấp chuyên sâu khám, chữa bệnh và không cần chuẩn bị giấy chuyển viện.
Lưu ý: Người bệnh chỉ được hưởng quyền lợi đối với bệnh lý nằm trong danh mục, theo đó, nếu đề nghị khám, chữa bệnh thêm các bệnh lý khác thì người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi như đối với khám chữa bệnh của các bệnh lý hiếm, bệnh hiểm nghèo theo Phụ lục I.
3. Khám chữa bệnh ngoại tỉnh nếu đăng ký lưu trú vẫn có thể hưởng 100% mức BHYT
Trước đây, Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014 quy định, người bệnh đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương không được khám chữa bệnh thông tuyến tại cơ sở tuyến huyện, tuyến xã.
Tuy nhiên, từ 01/01/2025, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu, cấp cơ bản khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.
Quy định này áp dụng đối với trường hợp người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú bao gồm:
- Người đi công tác đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tỉnh) khác;
- Học sinh, sinh viên, học viên học tập tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tết tại gia đình hoặc trong thời gian thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác;
- Người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình;
- Người làm việc lưu động tại tỉnh khác;
- Người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình theo quy định tại khoản 16 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.
(Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 4 Thông tư 01/2025/TT-BYT)
Theo đó, những trường hợp trên khi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu do thay đổi nơi tạm trú, nơi lưu trú thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp cơ bản phù hợp với nơi tạm trú, lưu trú mới và được quỹ BHYT thanh toán như đúng tuyến.
Ví dụ: Sinh viên A. quê ở Hà Nam, lên Hà Nội học, đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở y tế thuộc Hà Nội. Trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, sinh viên A. về quê, phải thay đổi nơi lưu trú thì vẫn được khám chữa bệnh tại các cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu tại quê Hà Nam và được thanh toán 100% mức hưởng quy định.
Nói tóm lại: Người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày, đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú theo quy định khi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên đi học xa nhà mà đăng ký nơi khám chữa bệnh ở quê, người lao động đi công tác tại các tỉnh, thành khác… vẫn được BHYT thanh toán 100% mức hưởng quy định.
4. Hạn chế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp chuyên sâu
Một trong những điểm mới tại Thông tư 01 là quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu.
Trước đây, theo Điều 3 Thông tư 43/2013/TT-BYT, các cơ sở khám chữa bệnh được phân thành 4 tuyến: Tuyến trung ương (tuyến 1); Tuyến tỉnh, thành phố (tuyến 2); Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố (tuyến 3) và Tuyến xã, phường, thị trấn (tuyến 4).
Theo đó, người dân được đăng ký BHYT ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa ở cả 4 tuyến trừ 1 số cơ sở hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương...
Tuy nhiên, từ 01/01/2025, theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 01/2025/TT-BYT, người bệnh chỉ được đăng ký khám chữa bệnh tập trung ở cấp ban đầu và 01 phần ở cấp cơ bản gồm:
- Trạm Y tế
- Cơ quan y tế được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
- Phòng khám đa khoa
- Phòng khám đa khoa khu vực
- Trung tâm y tế cấp huyện được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hình thức tổ chức là phòng khám
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình được cấp phép hoạt động theo hình thức phòng khám đa khoa
- Phòng khám bác sỹ y khoa hoặc phòng khám y sỹ đa khoa tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Cơ sở khám, chữa bệnh khác có chuyên khoa nội và ít nhất 01 trong số các chuyên khoa ngoại, nhi, sản; không thuộc các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Từ 01/01/2025, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chia thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm:
- Cấp ban đầu (trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực…).
- Cấp cơ bản (các bệnh viện tỉnh trước đây và một số bệnh viện huyện hiện nay được xếp cấp cơ bản có số điểm dưới 70).
- Cấp chuyên sâu (cấp cao nhất, như bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện hạng đặc biệt…).
Việc đăng ký BHYT ở cấp chuyên sâu từ 01/01/2025 sẽ bị hạn chế và chỉ tập trung vào một số đối tượng như: người có công với cách mạng, người đủ 75 tuổi trở lên, trẻ dưới 6 tuổi; người cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế… (theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2025/TT-BYT).
5. Triển khai phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến trên VNeID
Theo Điều 11, Điều 12 Thông tư 01/2025/TT-BYT về thủ tục khám lại, chuyển tuyến thì đều quy định người bệnh được phép sử dụng phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng cả bản giấy và bản điện tử.
Điều này nhằm thể chế hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử Quốc gia VNeID của Bộ Công an, tạo thuận tiện cho người bệnh, tránh ùn ứ khi làm thủ tục giấy tờ cho người bệnh ở các cơ sở y tế.
6. Thực hiện phân bổ thẻ BHYT ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu
Theo Điều 8 Thông tư 01/2025/TT-BYT đã quy định về nguyên tắc phân bổ số lượng thẻ BHYT cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu như sau:
- Bảo đảm cân đối, phù hợp với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu của người dân.
- Phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở khám, chữa bệnh; số lượt khám - chữa bệnh, chuyển cơ sở khám - chữa bệnh hằng năm; số lượt khám trên 01 bàn khám trong 01 ngày; điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, nhân lực, cung ứng thuốc, trang thiết bị…
- Phù hợp với khả năng thực tế tại địa phương bao gồm: cân đối với số lượng cơ sở khám - chữa bệnh BHYT, giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong từng cấp chuyên môn kỹ thuật và giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn; ưu tiên phân bổ thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp ban đầu; cân đối, hợp lý về cơ cấu các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về 06 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025.