9 hướng dẫn mới về bảo hiểm nhân thọ từ 02/11/2023 tại Thông tư 67

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 với nhiều nội dung mới đáng chú ý. Sau đây là một số điểm mới của Thông tư 67/2023/TT-BTC về kinh doanh bảo hiểm từ ngày 02/11/2023.

1. Công ty bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên internet

Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 67/2023/TT-BTC, doanh nghiệp bảo hiểm được phép thực hiện toàn bộ quy trình cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đối với một hoặc một số sản phẩm bảo hiểm sau đây:

(1) Bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ có thời hạn trên 01 năm và các sản phẩm bảo hiểm khác có thời hạn từ 01 năm trở xuống mà theo quy trình của doanh nghiệp, chi nhánh, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô không yêu cầu thẩm định, đánh giá rủi ro trực tiếp trước khi giao kết hợp đồng.

(2) Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ có thời hạn từ 01 năm trở xuống, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cho các chuyến đi, du lịch.

Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng phải thông báo cho Bộ Tài chính trong thời hạn 07 ngày làm việc với các thông tin về doanh nghiệp, dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm, hình thức tổ chức cung cấp và các thông tin khác liên quan.

Lưu ý: Doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng trước 02/11/2023 phải thông báo cho Bộ Tài chính các thông tin nêu tại Phụ lục II trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 02/11/2023.

Ngoài việc phải thông báo về việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng, các công ty bảo hiểm còn phải làm các báo cáo theo theo mẫu. Cụ thể bao gồm:

- Mẫu số 4 - MGBH: Báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng năm;

- Mẫu số 20-NT: Báo cáo số lượng hợp đồng khai thác, hủy bỏ trên môi trường mạng quý, năm;

- Mẫu số 3-PNT: Báo cáo doanh thu, bồi thường theo kênh phân phối quý, năm.

Điểm mới của Thông tư 67/2023/TT-BTC về kinh doanh bảo hiểm
Điểm mới của Thông tư 67/2023/TT-BTC về kinh doanh bảo hiểm (Ảnh minh họa)

2. Người từ 18 tuổi trở lên mới được mua bảo hiểm nhân thọ

Trước đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn đều không đặt ra giới hạn về độ tuổi được mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên đến Thông tư 67/2023/TT-BTC, điều này đã được quy định rõ. Cụ thể, theo Điều 9 Thông tư 67/2023/TT-BT, bên mua bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, hoặc cá nhân tại Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

- Đáp ứng các điều kiện để mua bảo hiểm theo quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm.

Theo đó, cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.

3. Hướng dẫn về trường hợp được xác định là thương tật toàn bộ vĩnh viễn

Mặc dù doanh nghiệp bảo hiểm được phép chủ động xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 12 Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Trong đó có quy định hướng dẫn về các trường hợp được xác định là thương tật toàn bộ vĩnh viễn bao gồm:

- Người được bảo hiểm bị mất, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của: 02 tay; hoặc 02 chân; hoặc 01 tay và 01 chân; hoặc 02 mắt; hoặc 01 tay và 01 mắt; hoặc 01 chân và 01 mắt.

Trong trường hợp này, mất hoàn toàn, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của tay được tính từ cổ tay trở lên; mất hoàn toàn, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của chân được tính từ mắt cá chân trở lên; mất hoàn toàn và không thể phục hồi được chức năng của mắt phải được hiểu là mất hoàn toàn hoặc mù hoàn toàn.

- Người được bảo hiểm bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên theo xác nhận của cơ quan y tế hoặc Hội đồng giám định Y khoa cấp tỉnh hoặc tổ chức giám định y tế hợp pháp được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận.

Hướng dẫn mới về việc xác định thương tật vĩnh viễn
Hướng dẫn mới về việc xác định thương tật vĩnh viễn (Ảnh minh họa)

4. Quy định về thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian mà các sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả đối với một số quyền lợi bảo hiểm sức khỏe.

Nếu như trước đây doanh nghiệp bảo hiểm được tự ấn định thời gian chờ thì nay cần phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 67/2023/TT-BTC:

- Thời gian chờ được tính từ ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm hoặc ngày khôi phục hiệu lực hợp đồng gần nhất;

- Không áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp tai nạn;

- Các trường hợp bệnh: Thời gian chờ tối đa không vượt quá 90 ngày. Đối với trường hợp chấp thuận bảo hiểm cho các bệnh có sẵn: Thời gian chờ tối đa là 1 năm.

- Quyền lợi thai sản: Thời gian chờ tối đa là 270 ngày.

- Trường hợp triển khai sản phẩm có thời gian chờ ngoài thời gian chờ theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải  giải trình rõ tại tài liệu giải trình phương pháp, cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm.

Lưu ý: Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước ngày 01/7/2023 thì doanh nghiệp được tiếp tục triển khai đến hết ngày 30/6/2025.

Từ ngày 01/7/2025, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước 01/7/2023 phải được chỉnh sửa để đảm bảo phù hợp với định mới tại Thông tư 67/2023/TT-BTC.

5. Hướng dẫn mới về khoản tạm ứng từ giá trị hoàn lại

Khoản 4 Điều 12 Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định, trường hợp quy tắc, điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có quy định việc tạm ứng từ giá trị hoàn lại thì phải đáp ứng các quy định sau:

- Mức lãi suất tính cho phần tạm ứng từ giá trị hoàn lại ≤ Lãi suất tích lũy do công ty bảo hiểm công bố cho khách hàng + 2%.

Trường hợp không công bố lãi suất tích lũy: Mức lãi suất tạm ứng ≤ Lãi suất đầu tư của quỹ chủ hợp đồng không tham gia chia lãi trong năm tài chính liền kề trước đó + 2%.

- Trường hợp quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho phép bên mua dừng đóng phí và sử dụng giá trị hoàn lại để duy trì hiệu lực hợp đồng thì phải đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

- Việc tạm ứng từ giá trị hoàn lại không áp dụng với sản phẩm liên kết đầu tư, hưu trí.

>> Để được tư vấn thêm về các điều khoản bảo hiểm nhân thọ, vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ sớm nhất.

6. Tăng tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm nhân thọ 

Thêm một điểm mới của Thông tư 67/2023/TT-BTC về kinh doanh bảo hiểm đáng chú ý khác là việc điều chỉnh tăng tỷ lệ hoa hồng đại lý từ ngày 01/07/2024 đối với nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp.

Cụ thể khoản 3.2 Điều 51 Thông tư 67/2023/TT-BTC thực hiện tăng như sau:

- Nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ: Tăng 10% tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất so với quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC.

- Nghiệp vụ bảo hiểm trả tiền định kỳ: Tăng 5% tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất, tăng 10% tỷ lệ hoa hồng năm thứ hai so với quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC.

- Nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp: Tăng 10% tỷ lệ hoa hồng năm thứ hai so với quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC.

Ngoài ra, Thông tư 67/2023/TT-BTC cũng áp dụng chung mức tỷ lệ hoa hồng 20% đối với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn từ 01 năm trở xuống và 01 năm tái tục hàng năm.

Tăng tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm
Tăng tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm (Ảnh minh họa)

7. Giới hạn mức thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm

Đây cũng là một nội dung hướng dẫn hoàn toàn mới. Cụ thể, theo Điều 52 Thông tư 67/2023/TT-BTC, các khoản thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác theo thỏa thuận tại các hợp đồng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được thực hiện như sau:

- Các đại lý thực hiện khai thác mới: Tổng các khoản thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác trong mỗi năm tài chính không vượt quá tổng giá trị của 20% phí bảo hiểm thực tế của các hợp đồng bảo hiểm từ 01 năm trở xuống và 01 năm tái tục hàng năm và 30% phí bảo hiểm khai thác năm đầu thực tế thu được đối với hợp đồng bảo hiểm trên 01 năm.

- Các đại lý thực hiện chăm sóc các hợp đồng bảo hiểm tái tục trên 01 năm: Tổng các khoản thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác trong mỗi năm tài chính không vượt quá 7% phí bảo hiểm tái tục thực tế thu được trong năm.

Lưu ý: Công ty bảo hiểm nhân thọ đang chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác cho đại lý bảo hiểm cao hơn tỷ lệ trên phải rà soát, xây dựng lộ trình, phương án giảm tỷ lệ chi trả các khoản trên theo từng năm tài chính và hoàn thành phương án chậm nhất đến hết 31/12/2025.

8. Khi bán bảo hiểm liên kết đầu tư phải ghi âm nội dung tư vấn

Điểm đ khoản 2 Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC nêu rõ, khi cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm cá nhân hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung liên quan tới việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm tại thời điểm bên mua bảo hiểm ký Bản yêu cầu bảo hiểm.

Nội dung ghi âm phải đảm bảo tối thiểu các thông tin sau:

1 - Tên, số chứng chỉ đại lý bảo hiểm

2 - Tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại bên mua bảo hiểm;

3 - Nội dung tư vấn của đại lý hoặc nhân viên trong tổ chức thực hiện hoạt động đại lý về quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi đầu tư và các rủi ro đầu tư mà bên mua bảo hiểm có thể gặp phải khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, thông tin về các khoản phí mà doanh nghiệp bảo hiểm tính cho bên mua bảo hiểm và điều kiện để nhận các quyền lợi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;

4 - Thông báo về các khoản phí bảo hiểm và thời hạn đóng phí bên mua bảo hiểm lựa chọn để xác nhận phù hợp với năng lực tài chính của bên mua bảo hiểm;

5 - Thông báo cho bên mua bảo hiểm về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong đó nêu rõ nghĩa vụ kê khai trung thực, những nội dung chính về quyền lợi thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và điều kiện nhận quyền lợi đó;

6 - Xác nhận của bên mua bảo hiểm việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính, nhu cầu bảo hiểm của bên mua bảo hiểm.

Trường hợp có các thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của khách hàng thì việc ghi âm phải được bên mua bảo hiểm đồng ý về việc ghi âm nội dung thông tin đó.

Các công ty bảo hiểm phải đảm bảo tuân thủ quy định nêu trên chậm nhất sau 01 năm kể từ ngày 02/11/2023.

Phải ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm liên kết đầu tư
Phải ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm liên kết đầu tư (Ảnh minh họa)

9. Ngân hàng không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay

Điều này được thể hiện rõ thông qua quy định tại điểm c khoản 3 Điều 53 Thông tư 67/2023/TT-BTC. Theo đó,  tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không phép được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Như vậy, các ngân hàng sẽ không được tư vấn, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng đến vay tiền.

Điều này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ngân hàng “bán bia kèm theo lạc”, ép khách hàng vay tiền mua bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay.

Trên đây là những thông tin nổi bật về các điểm mới của Thông tư 67/2023/TT-BTC về kinh doanh bảo hiểm. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục