Trong dịp Tết Nguyên đán, thường phát sinh một số tình huống khẩn cấp cần nhập viện điều trị như tai nạn, ngộ độc, cùng nhiều trường hợp cấp cứu khác. Vậy người dân đi viện vào ngày Tết có được hưởng quyền lợi Bảo hiểm y tế (BHYT) không?
Đi viện ngày Tết có được thanh toán BHYT?
Nội dung này được khẳng định bởi điểm a khoản 10 điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
10. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ:
a) Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế;
Như vậy, người bệnh chỉ cần có thẻ BHYT và đảm bảo các thủ thục khám chữa bệnh BHYT thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi và mức hưởng. Tức là dù đi viện ngày Tết, người bệnh có thẻ BHYT vẫn sẽ được thanh toán như bình thường.
Theo đó, người dân vẫn có thể đến các cơ sở khám chữa bệnh BHYT để khám và điều trị trong những ngày Tết nhưng phải đem theo thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân đi kèm như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân…Trường hợp nhập viện do cấp cứu thì có thể không cần xuất trình thẻ BHYT ngay, mà chỉ cần đảm bảo xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân trước khi xuất viện.
Trong khi đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT và phải thông báo trước cho người bệnh.
Đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.
Chính vì vậy, người dân có thể yên tâm khi khám và điều trị tại bệnh viện trong ngày Tết giống như những ngày thường.
Mức thanh toán BHYT khi đi khám chữa bệnh vào ngày Tết
Như đã đề cập ở trên, người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh vào ngày Tết vẫn được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT.
Theo đó, người bệnh sẽ được thanh toán theo mức hưởng được quy định tại Điều 22 Luật BHYT số 25/2008/QH12, sửa đổi bởi Luật số 46/2014/QH13 như sau:* Khám chữa bệnh đúng tuyến:
Trong các trường hợp:
- Khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu;
- Khám chữa bệnh tại nơi được thông tuyến;
- Khám chữa bệnh có giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu;
- Trường hợp cấp cứu;
- Khám chữa bệnh trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Khi đó, người bệnh sẽ được thanh toán trong phạm vi hưởng với mức hưởng như sau:
- 100% chi phí KCB: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí KCB: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
- 80% chi phí KCB: Đối tượng khác.
* Khám chữa bệnh trái tuyến:
Nếu đi khám chữa bệnh không thuộc trường hợp đúng tuyến, người bệnh chỉ được thanh toán theo mức hưởng đúng tuyến với các tỷ lệ sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước;
Trên đây là thông tin về: Đi viện ngày Tết có được thanh toán BHYT không? Nếu vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 19006192 để được hỗ trợ.