Đã có đủ 20 năm BHXH, nên nghỉ chờ hưu hay đóng tiếp?

Nếu đi làm và có đóng bảo hiểm từ sớm, chưa đến 40 tuổi, nhiều người lao động đã có tối thiểu 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu khi về già. Lúc này, người lao động nên nghỉ chờ hưu hay đóng tiếp đến khi đủ tuổi?

Để trả lời cho câu hỏi trên cần đối chiếu những quyền lợi và thiệt thời của từng trường hợp mà người lao động đang băn khoăn.

1. Đóng đủ 20 năm BHXH rồi nghỉ chờ hưu

1.1. Quyền lợi

Người lao động nghỉ việc chờ đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng các quyền lợi sau đây:

1 - Trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên thì khi nghỉ việc đúng luật, người lao động sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp thôi việc.

Tiền trợ cấp thôi việc

=

1/2

x

Số năm làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc

x

Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi thôi việc

Trong đó:

- Thời gian tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian làm việc thực tế - Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm.

- Tiền lương để tính trợ cấp = Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Ví dụ: Anh A có đã làm việc cho công ty X từ T1/2018 đến hết T11/2021, trong đó có 2 tháng thử việc. Do được đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ khi ký hợp đồng chính thức nên anh A chỉ được tính hưởng trợ cấp thôi việc cho 02 tháng thử việc (làm tròn thành 0,5 năm để tính trợ cấp).

Theo đó, nếu mức lương theo hợp đồng của anh A là 10 triệu đồng. Khi nghỉ việc, anh A sẽ được nhận trợ cấp thôi việc = ½ x ½ x 10 triệu đồng = 2,5 triệu đồng.

2 - Trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng chế độ trong thời gian 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm, trợ cấp thất nghiệp được tính như sau:

Mức trợ cấp thất nghiệp/tháng

=

Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

x

60%

Trong đó, thời gian được hưởng trợ cấp này xác định như sau:

- Đóng đủ 12 - 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng 03 tháng trợ cấp.

- Cứ đóng đủ thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Hưởng thêm 01 tháng trợ cấp.

- Thời gian tối đa: 12 tháng.

Ví dụ: Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh A là 10 triệu đồng. Anh này có 30 tháng đóng bảo hiểm. Khi nghỉ việc, anh A được hưởng 03 tháng trợ cấp với số tiền như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp/tháng = 10 triệu đồng x 60% = 6 triệu đồng/tháng.

3 - Lương hưu hằng tháng khi đủ tuổi

Khi đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng.

Căn cứ Điều 56 Luật BHXH năm 2015, mức hưởng lương hưu của người lao động được tính theo công thức sau:

Lương hưu hằng tháng

=

Tỷ lệ hưởng

x

Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó, với 20 năm đóng BHXH, người lao động sẽ được hưởng tỷ lệ như sau:

- Lao động nữ: 55%.

- Lao động nam: 45%.

1.2. Thiệt thòi

Người lao động chỉ có 20 năm đóng BHXH thì khi nhận lương hưu, mức hưởng hằng tháng sẽ khá thấp:

- Nam được hưởng 45% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

- Nữ được hưởng 55% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

Ví dụ: Mức lương bình quân đóng BHXH của anh A là 10 triệu/tháng. Khi nghỉ hưu, anh chỉ được nhận 45% x 10 triệu đồng = 4,5 triệu đồng/tháng. 


2. Đã có 20 năm BHXH, đóng tiếp đến khi đủ tuổi nghỉ hưu

2.1. Quyền lợi

1 - Được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu chưa nhận lương hưu

Điều kiện hưởng và mức hưởng áp dụng tương tự như trường hợp nghỉ việc sau khi đóng đủ 20 năm BHXH.

2 - Được hưởng lương hưu với mức cao

Công thức tính lương hưu đang áp dụng là:

Lương hưu hằng tháng

=

Tỷ lệ hưởng

x

Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:

- Lao động nam:

+ Đóng BHXH đủ 20 năm được hưởng tỷ lệ 45%.

+ Cứ thêm mỗi năm: Tính thêm 2%.

+ Mức hưởng tối đa = 75%.

-  Lao động nữ:

+ Đóng đủ 15 năm BHXH thì được hưởng 45%.

+ Cứ thêm mỗi năm: Tính thêm 2%.

+ Mức hưởng tối đa = 75%.

Như vậy, càng đóng BHXH nhiều năm thì mức hưởng lương hưu khi về già của người lao động lại càng cao nhưng có giới hạn tối đa là 75%.

3 - Được nhận trợ cấp 1 lần khi về hưu nếu đóng BHXH vượt quá số năm được tính hưởng tỷ lệ 75%

Theo khoản 1 Điều 58 Luật BHXH năm 2014, người lao động được nhận trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu nếu:

- Lao động nữ: Đóng BHXH trên 30 năm.

- Lao động nam: Đóng BHXH trên 35 năm.

Căn cứ Điều 58 và Điều 75 Luật BHXH, mức hưởng được tính như sau:

Mức hưởng của nữ = (Số năm đóng BHXH - 30) x 0,5 x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Mức hưởng của nam = (Số năm đóng BHXH - 35) x 0,5 x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

2.2. Thiệt thòi

1 - Không được hưởng trợ cấp thôi việc

Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ không được chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.

2 - Nếu nhận lương hưu ngay khi đủ tuổi sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm, người lao động đang hưởng lương hưu hằng tháng sẽ không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Do đó người lao động sẽ không thể nhận đồng thời cả lương hưu và trợ cấp thất nghiệp. Nếu chọn nhận trợ cấp thất nghiệp trước thì người lao động sẽ “thiệt” mất vài tháng hưu.

Từ những phân tích trên, mỗi trường hợp lại đem đến những quyền lợi và thiệt thòi nhất định. Tuy nhiên, có thể thấy, việc đóng tiếp BHXH sau khi đã đóng đủ 20 năm sẽ đem đến cho người lao động nhiều quyền lợi hơn.

Vì vậy, lời khuyên dành cho những người lao động đã có đủ 20 năm đóng BHXH là nên tiếp tục đóng tiếp BHXH để nhận mức hưởng cao hơn.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Đã có đủ 20 năm BHXH nên nghỉ chờ hưu hay đóng tiếp?”. Nếu vẫn còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6199 để được tư vấn chi tiết về vấn đề lương hưu và BHXH.

>> Chế độ hưu trí: Những thay đổi về tuổi hưu, lương hưu

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(6 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?