Công văn 881/BHXH-CSXH thực hiện BHXH bắt buộc với người làm việc tại UBND xã
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 881/BHXH-CSXH
Cơ quan ban hành: | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 881/BHXH-CSXH |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Lê Hùng Sơn |
Ngày ban hành: | 07/04/2021 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Bảo hiểm |
tải Công văn 881/BHXH-CSXH
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM Số: 881/BHXH-CSXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2021 |
Kính gửi: Bộ Nội vụ
Thực hiện ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 1392/BNV-CQĐP ngày 05/4/2021 về việc đề xuất giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã và người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã; trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 06/4/2021 về nội dung này, BHXH Việt Nam xin báo cáo như sau:
I. THỰC TRẠNG ĐÓNG BHXH BẮT BUỘC
1. Tổng hợp tình hình đóng BHXH bắt buộc đến thời điểm hiện nay
Đối tượng | Đang bảo lưu thời gian đóng BHXH (người) | Đang tiếp tục tham gia BHXH (người) | Tổng cộng |
Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã | 729 | 2.694 | 3.423 |
Phó Trưởng Công an xã | 840 | 1.860 | 2.700 |
Người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã | 959 | 3.184 | 4.143 |
Tổng số | 2.528 | 7.738 | 10.266 |
(Số liệu này chưa bao gồm: Một số ít đối tượng đã tham gia và bảo lưu sổ BHXH tại thời điểm ngành BHXH chưa tập trung cơ sở dữ liệu người đang tham gia BHXH tại trung ương (người tham gia trực tiếp quản lý sổ BHXH giấy chưa liên hệ với cơ quan BHXH))
2. Thực trạng đóng BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã
2.1 Quy định của pháp luật
- Trước tháng 11/2003, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã và Phó Công an xã thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ về Công an xã và Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14/6/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh về Dân quân tự vệ; theo đó, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã và 01 Phó Công an xã là chức danh khác thuộc UBND xã phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ.
- Từ tháng 11/2003 thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và từ tháng 01/2010 thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ thì Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết UBND các cấp tại địa phương đã đóng BHXH bắt buộc cho những trường hợp này.
2.2 Nguyên nhân đóng BHXH bắt buộc chưa đúng quy định
- Do trước tháng 11/2003 và từ tháng 01/2016 Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã và Phó Trưởng Công an xã thuộc đối tượng tham gia, còn khoảng trống về chính sách từ tháng 11/2003 đến tháng 12/2015 thì không thuộc đối tượng tham gia, dẫn đến một số địa phương vẫn chủ trương tiếp tục áp dụng đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã và Phó Trưởng Công an xã là công chức (hoặc người hoạt động chuyên trách cấp xã) vẫn hưởng lương, sinh hoạt phí và đóng BHXH bắt buộc như cán bộ, công chức cấp xã:
+ Thời điểm tháng 11/2003 thu BHXH bắt buộc không đúng quy định do Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 14/5/2004 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 chậm ban hành (Thông tư ban hành sau 07 tháng) dẫn đến các địa phương phê duyệt các chức danh cán bộ xã theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP chậm; chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục đóng BHXH đối với các chức danh Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã để họ yên tâm công tác cho đến khi thực hiện Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH (hầu hết đến tháng 6/2004).
+ Sau đó, Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2005) quy định Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã được đóng BHXH bắt buộc (Khoản 3 Điều 22) nên Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã tiếp tục làm việc tại xã và được UBND cấp xã tiếp tục đóng BHXH để họ yên tâm công tác. Tuy nhiên, ngày 17/6/2005 Bộ Nội vụ có Công văn số 1489/BNV-CQĐP ngày 17/6/2005 với nội dung: Trong khi chờ các cơ quan có liên quan trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 184/2004/NĐ-CP, Bộ Nội vụ yêu cầu các Sở Nội vụ... thực hiện chế độ, chính sách đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Pháp lệnh Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2003 và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, trong thời gian chưa có sửa đổi Nghị định số 184/2004/NĐ-CP, chức danh Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã lại không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
- Khi phát hiện có thời gian thu BHXH bắt buộc không đúng quy định, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các địa phương báo cáo số liệu để tổng hợp và báo cáo đề xuất giải quyết chế độ BHXH đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã có thời gian đã đóng BHXH từ ngày 01/11/2003 gửi Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Công văn số 2383/BHXH-BT ngày 30/6/2015 gửi Bộ Nội vụ, Công văn số 2831/BHXH-BT ngày 28/7/2016 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
3. Thực trạng đóng BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã
3.1. Quy định của pháp luật
Theo quy định tại Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, Luật BHXH năm 2006 thì người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc có thời hạn đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Xuất phát từ quy định này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Đà Nẵng...) đã chỉ đạo UBND cấp xã giao kết HĐLĐ với cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã để đóng BHXH bắt buộc trong thời gian từ năm 2005.
3.2. Nguyên nhân đóng BHXH bắt buộc chưa đúng quy định
- Do khối lượng công việc tại xã phát sinh vượt quá khả năng đáp ứng của số cán bộ, công chức cấp xã (một số tỉnh, thành phố đã tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã vượt chỉ tiêu định biên quy định) nên một số địa phương ký HĐLĐ và đóng BHXH bắt buộc với người lao động (trước tháng 01/2008 chưa có chính sách về BHXH tự nguyện) để họ yên tâm công tác tại xã.
- Ngoài ra, đối với đa số các tỉnh, thành phố trên cả nước, do việc tuyển dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã không kịp thời, dẫn đến phải giao kết hợp đồng lao động, đóng BHXH bắt buộc với một số chức danh chờ tuyển dụng như Tài chính - Kế toán, Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng, Giao thông, Thủy lợi...
Thực tế cho thấy tại nhiều tỉnh/thành, Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về vấn đề này, trên cơ sở đó UBND tỉnh/thành ban hành Quyết định để triển khai tổ chức thực hiện.
- Do áp lực về phát triển đối tượng cũng như thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Cấp ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền địa phương nên cơ quan BHXH địa phương tổ chức thu BHXH khi UBND xã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.
II. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Về cơ chế giải quyết (theo nguyên tắc đóng - hưởng đã được quy định tại Luật BHXH)
BHXH Việt Nam đề xuất một phương án duy nhất là Phương án 1 nêu tại Tờ trình số 6765/TTr-BNV ngày 23/12/2020 của Bộ Nội vụ cụ thể:
- Đối với các chức danh là Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã có thời gian làm việc từ tháng 11/2003 đến nay, nếu đã đóng BHXH bắt buộc thì được giải quyết hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH khi đủ điều kiện hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.
- Đối với người lao động do UBND cấp xã ký HĐLĐ từ đủ 03 tháng trở lên đã đóng BHXH bắt buộc và tiền lương làm căn cứ đóng là mức tiền lương ghi trong HĐLĐ theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì cho phép được giải quyết hưởng các chế độ BHXH nếu đủ điều kiện hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
1.1. Ưu điểm của Phương án
- Người lao động được ghi nhận thời gian đã đóng BHXH, do đó nhiều người sẽ có điều kiện để hưởng lương hưu khi về già, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.
- Củng cố niềm tin của người dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước và tạo thuận lợi cho công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện.
- Đảm bảo công bằng giữa người đã được giải quyết và người chưa được giải quyết; giải quyết triệt để nguyện vọng của người lao động và sẽ không phát sinh đơn thư.
1.2. Hạn chế của Phương án
Việc vận dụng giải quyết chính sách có thể sẽ phát sinh kiến nghị từ một số ít các đối tượng không được thực hiện (do trước đây chưa đóng BHXH).
1.3. Tác động của phương án
Hiện chỉ một số ít địa phương không đóng BHXH cho nhóm đối tượng này. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP thì mỗi xã chỉ có số lượng nhất định cán bộ, công chức cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc nên ở các địa phương không đóng BHXH bắt buộc cho số đối tượng trên thì đã đóng BHXH bắt buộc đủ số lượng cán bộ ở các chức danh khác nên việc đóng bổ sung cho Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Công an xã là không khả thi (thực tế xảy ra là mỗi địa phương lựa chọn các chức danh để đóng BHXH bắt buộc cho cán bộ, công chức cấp xã).
1.4. Tính khả thi của Phương án
Triển khai phương án này đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện do căn cứ pháp lý thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng được quy định tại Luật BHXH và sát với nhu cầu của thực tiễn (bảo vệ quyền lợi theo nguyện vọng của người lao động), giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã và người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã). Đồng thời, phương án này cũng đã nhận được ý kiến đồng thuận của các Bộ, ngành có liên quan (Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Công an, Quốc phòng).
2. Đề xuất thẩm quyền xử lý
Đề nghị đưa nội dung nêu trên vào Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo, thực hiện.
BHXH Việt Nam trân trọng báo cáo Bộ Nội vụ./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây