Công văn 1191/BHXH-TT hướng dẫn công tác truyền thông năm 2020
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công văn 1191/BHXH-TT
Cơ quan ban hành: | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1191/BHXH-TT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn |
Người ký: | Đào Việt Ánh |
Ngày ban hành: | 20/04/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Bảo hiểm, Thông tin-Truyền thông |
tải Công văn 1191/BHXH-TT
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ___________ Số: 1191/BHXH-TT V/v Hướng dẫn công tác truyền thông năm 2020 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _______________________ Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2020 |
Kính gửi:
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2019, công tác truyền thông trong toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Nội dung, hình thức truyền thông được đổi mới cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các hình thức truyền thông trực tiếp đến người dân được quan tâm, chú trọng hơn nhằm tuyên truyền vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, BHXH Việt Nam chưa tổ chức tập huấn công tác truyền thông trong toàn Ngành. Để thực hiện thống nhất Kế hoạch thông tin truyền thông của Ngành, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, BHXH Việt Nam hướng dẫn công tác truyền thông như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG TRUYỀN THÔNG
1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.
3. Các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
4. Các cơ quan an sinh xã hội, tổ chức quốc tế; người lao động nước ngoài tại Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
5. Các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt chú trọng truyền thông người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Nội dung truyền thông thường xuyên
a) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020...
b) Tuyên truyền sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT, BHTN; sự chủ động, tích cực của BHXH Việt Nam, BHXH các cấp trong việc phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể thực hiện chính sách BHXH, BHYT; truyền thông kết quả hợp tác quốc tế về BHXH, BHYT, BHTN, kinh nghiệm quốc tế về BHXH, BHYT, BHTN...
c) Truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân nhằm tiếp tục củng cố, tạo niềm tin sâu rộng trong toàn xã hội về giá trị nhân văn, tính ưu việt trong chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước.
d) Truyền thông nội dung cụ thể, chi tiết về từng chế độ BHXH, BHYT, BHTN: trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia, quyền lợi được thụ hưởng; mức đóng, phương thức đóng, sự thuận tiện trong thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; truyền thông về chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí của Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương đối với người người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp.... Qua đó thấy được tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong đảm bảo an sinh cho người dân.
đ) Truyền thông các quy định tại: Điều 214 Tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 Tội gian lận BHYT, Điều 216 Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT...
Truyền thông về ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả xét xử của tòa án các cấp về các tội về BHXH, BHYT.
e) Truyền thông kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành, các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ tiện ích phục vụ, hỗ trợ người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
g) Gương người tốt việc tốt, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các sáng kiến hay, hữu ích, sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
h) Tiếp tục cảnh báo, xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
2. Nội dung truyền thông cao điểm
a) Truyền thông phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tập trung tuyên truyền, vận động có trọng điểm hướng vào nhóm có thu nhập ổn định, hộ gia đình kinh doanh cá thể; lao động trong các làng nghề, hộ gia đình làm nông nghiệp, trang trại thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, dịch vụ, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi...
b) Truyền thông về những thành tựu, kết quả đạt được trong 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
c) Truyền thông thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo Công văn số 1007/BHXH-TT ngày 27/3/2020 của BHXH Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các nội dung sau:
- Ý nghĩa, giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động trực tiếp đến đời sống xã hội.
- Nội dung các chính sách, quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT được hưởng, các dịch vụ được trợ giúp, hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam đã ban hành (chi tiết tại Phụ lục đính kèm) và các văn bản được ban hành tiếp theo (nếu có).
- Kết quả thực hiện các giải pháp, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành BHXH trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền về phòng chống dịch Covid-19; những đánh giá, ghi nhận của tổ chức, cá nhân về kết quả thực hiện, nỗ lực của Ngành.
- Truyền thông về ý nghĩa, giá trị trước mắt và lâu dài của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN nhất là chế độ hưu trí, tử tuất để người lao động không lựa chọn hưởng BHXH một lần.
- Tiếp tục truyền thông cảnh báo các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là các hành vi thu gom, mua bán sổ BHXH, lập các trang web mạo danh cơ quan BHXH để trục lợi...
III. HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG
1. Truyền thông qua báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN
Thường xuyên báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về kết quả thực hiện chính sách để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
2. Truyền thông trực tiếp
Truyền thông trực tiếp đến người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thông qua các hình thức: Tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp; chia thành nhóm nhỏ đến từng gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh, địa điểm công cộng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
3. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng
Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để sản xuất, đăng tải các tin bài, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, talk show, game show, phim ngắn, tiểu phẩm truyền thanh...để truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện chính sách; chú trọng truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
4. Truyền thông trên mạng xã hội
Thực hiện truyền thông trên mạng xã hội theo chiến dịch, đăng tải các tin, bài, phóng sự, phim ngắn, video, clip, viral clip, motion graphic, inforgraphic ... nhằm lan tỏa nội dung, ý nghĩa, lợi ích của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; đăng tải, chia sẻ những câu chuyện hay, xúc động, gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong cộng đồng mạng; khuyến khích công chức, viên chức sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN.
5. Tiếp tục duy trì các hình thức truyền thông khác
Truyền thông qua mạng điện thoại di dộng, qua hệ thống dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BHTN, qua các sản phẩm, tài liệu truyền thông, các phương tiện trưng bày, pano, áp phích, bảng hiệu....
Lưu ý: Căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19 và thực tiễn tại địa phương, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19. Hình thức truyền thông trực tiếp chỉ được thực hiện khi cấp có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19, đồng thời khi thực hiện phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
6. Truyền thông theo chiến dịch
Căn cứ tình hình thực tiễn, BHXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn riêng về truyền thông theo chiến dịch, lễ ra quân vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyên, BHYT hộ gia đình.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện: Từ chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN.
2. Sử dụng và quản lý kinh phí
Thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 914/BHXH ngày 18/03/2016 về việc hướng dẫn, quản lý kinh phí tuyên truyền; Công văn số 384/BHXH-KHĐT ngày 11/02/2020 về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán thu chi năm 2020; Công văn số 545/BHXH-KHĐT ngày 24/02/2020 về việc bổ sung nội dung hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán thu, chi năm 2020”.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tại BHXH Việt Nam
a) Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao và quy định tại Quyết định số 1116/QĐ-BHXH ngày 14/9/2018 của BHXH Việt Nam ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
- Chủ động cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách cho Trung tâm Truyền thông; tham dự hội nghị cung cấp thông tin, tham gia ghi hình, trả lời phỏng vấn theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngành; thẩm định nội dung tài liệu, sản phẩm truyền thông thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Chủ động đề xuất nội dung truyền thông từng tháng, nội dung truyền thông theo chuyên đề, nội dung phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gửi Trung tâm Truyền thông.
- Kịp thời cung cấp, cập nhật những nội dung, quy định, hướng dẫn mới thuộc lĩnh vực phụ trách gửi Trung tâm tuyền thông để truyền thông trước, trong, sau khi ban hành.
- Chủ trì, phối hợp với Trung tâm truyền thông tổ chức đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; theo dõi, kiểm soát thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách, tham gia xử lý sự cố truyền thông (nếu có).
b) Trung tâm Truyền thông
- Đầu mối tham mưu lãnh đạo Ngành về công tác truyền thông; Chủ trì tổng hợp, biên tập thông tin, kịp thời cung cấp cho các cơ quan báo chí; thực hiện điểm báo hàng ngày báo cáo lãnh đạo Ngành, gửi các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh; đầu mối phối hợp với các đơn vị biên soạn tài liệu, nội dung, thiết kế các thông điệp, ấn phẩm truyền thông.
- Phối hợp với cơ quan báo chí, các đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội... ký hợp đồng truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN.
- Phối hợp với các đơn vị thực hiện Chiến dịch “Truyền thông Xúc cảm” trên mạng xã hội; truyền thông theo chiến dịch lễ ra quân phát động tham gia BHXH, BHYT, truyền thông trên phương tiện lưu động...
- Phối hợp với các đơn vị tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác truyền thông trong toàn Ngành.
c) Báo BHXH, Tạp chí BHXH, cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Chủ động sản xuất các tin, bài, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động của BHXH Việt Nam, BHXH địa phương; chủ động cập nhật kịp thời các quy định, hướng dẫn mới về BHXH, BHYT, BHTN để có kế hoạch truyền thông trước, trong, sau khi ban hành văn bản.
2. BHXH tỉnh
- Chủ động xin ý kiến, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông trên địa bàn; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền BHXH, BHYT, BHTN.
- Chủ động sản xuất các tin, bài, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT; thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động của BHXH Việt Nam, BHXH địa phương; chủ động cập nhật các quy định, hướng dẫn mới về BHXH, BHYT, BHTN; cập nhật địa chỉ, số điện thoại đại lý thu BHXH, BHYT... trên Cổng/Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh.
- Phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền BHXH, BHYT, BHTN.
- Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tư vấn, đối thoại trực tiếp, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác truyền thông thuộc BHXH tỉnh; phối hợp với các cơ quan, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông cho nhân viên bưu điện, đại lý xã, phường, đoàn thể.
- Bố trí viên chức có trình độ, vững chuyên môn nghiệp vụ làm công tác truyền thông.
- Thực hiện truyền thông nội bộ tại BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện; chủ động kiểm soát thông tin, dư luận xã hội thuộc phạm vi quản lý; kịp thời xử lý các thông tin sai lệch về BHXH, BHYT; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.
- Cập nhật Thông tin báo chí, Bản tin 24 giờ của BHXH Việt Nam do Trung tâm Truyền thông gửi từ hộp thư trungtamtruyenthong.bhxhvn@vss.gov.vn để thông tin, truyền thông phù hợp với tình hình địa phương.
- Quản lý, sử dụng kinh phí tuyên truyền đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng nội dung chi, định mức chi; phân bổ kinh phí tuyên truyền cho BHXH cấp huyện tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Trên đây là hướng dẫn của BHXH Việt Nam về công tác truyền thông năm 2020, yêu cầu BHXH tỉnh triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh về BHXH Việt Nam (qua Trung tâm Truyên thông, số điện thoại 024.36285231 hoặc 024.36285232) để được hướng dẫn./.
Nơi nhận: - Như trên; - Tổng Giám đốc (để báo cáo); - Các PTGĐ; - Lưu: VT, TT. | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC Đào Việt Ánh |
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM ____________
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _________________________
|
PHỤ LỤC:
CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA BHXH VIỆT NAM TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19
(Ban hành kèm theo Công văn số 1191/BHXH-TT ngày 20 tháng 4 năm 2020 của BHXH Việt Nam)
Stt | Số hiệu văn bản | Ngày ban hành | Nội dung văn bản | Đơn vị chủ trì soạn thảo |
1 | 280/BHXH-CSYT | 31/01/2020 | V/v phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona | Ban CSYT |
2 | 362/BHXH-CSYT | 10/2/2020 | V/v thanh toán chi phí KCB liên quan đến dịch bệnh do nCoV gây ra | Ban CSYT |
3 | 779/BHXH-CNTT | 12/3/2020 | V/v triển khai tin nhắn thông báo mã số BHXH để khai báo y tế điện tử | Trung tâm CNTT |
4 | 820/BHXH-VP | 13/3/2020 | V/v tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra | Văn phòng |
5 | 860/BHXH-BT | 17/3/2020 | V/v hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 | Ban Thu |
6 | 902/BHXH-CSYT | 20/3/2020 | V/v cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch Covid-19 | Ban CSYT |
7 | 956/BHXH-VP | 25/3/2020 | V/v phát động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 | Văn phòng |
8 | 972/BHXH-TCKT | 25/3/2020 | V/v thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp hằng tháng qua hệ thống Bưu điện trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 | Vụ TCKT |
9 | 1007/BHXH-TT | 27/3/2020 | V/v truyền thông thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 | Trung tâm Truyền thông |
10 | 1020/BHXH-TCKT | 30/3/2020 | V/v bổ sung nội dung thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 qua hệ thống Bưu điện | Vụ TCKT |
11 | 1046/BHXH-CSYT | 31/3/2020 | V/v sử dụng kinh phí CSSKBĐ để mua thuốc sát trùng và xà phòng chống dịch Covid-19 | Ban CSYT |
12 | 1058/BHXH-TCCB | 31/3/2020 | V/v bố trí công chức, viên chức làm việc trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19 | Vụ Tổ chức Cán bộ |
13 | 1059/TB-BHXH | 31/3/2020 | V/v tiếp công dân trong tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) | Vụ Thanh tra - Kiểm tra |
14 | 1061/BHXH-PC | 31/3/2020 | V/v tiếp nhận, giải quyết TTHC trong đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 | Vụ Pháp chế |
15 | 1068/BHXH-PC | 1/4/2020 | V/v hướng dẫn thay thế mục 2, Công văn số 1061/BHXH-PC về tiếp nhận, giải quyết TTHC trong đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 | |
16 | 1071/BHXH-BT | 1/4/2020 | V/v cấp, gia hạn thẻ BHYT | Ban Thu |
17 | 1072/BHXH-CSYT | 1/4/2020 | V/v đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi cơ sở KCB bị cách ly y tế hoặc thay đổi nhiệm vụ điều trị Covid-19 | Ban CSYT |
18 | 504/CNTT-HTA | 2/4/2020 | V/v sử dụng CNTT để làm việc trong phòng, chống dịch COVID-19 | Trung tâm CNTT |
19 | 1164/BHXH-CSXH | 13/4/2020 | V/v thực hiện Công văn số 2858/VPVP-NC về việc ngăn chặn trục lợi hưởng BHXH | Ban CSXH |
20 | 1165/BHXH-ST | 13/4/2020 | V/v lạm dụng chính sách BHXH của NLĐ | Ban Sổ thẻ |
21 | 537/CNTT-HTA | 14/4/2020 | V/v tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng khi sử dụng CNTT làm việc trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 | Trung tâm CNTT |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây