Công ty ăn chặn tiền dưỡng sức sau sinh, cần làm gì?

Sau khi đăng ký thành công tài khoản VssID, nhiều người lao động mới biết cơ quan bảo hiểm đã từng chi trả chế độ dưỡng sức sau sinh nhưng thực tế họ lại không được nhận. Nếu rơi vào trường hợp này, người lao động cần làm gì?


1. Trường hợp nào được giải quyết chế độ dưỡng sức sau sinh?

Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động sẽ được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

(1) Đã nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản.

Người lao động sinh một con được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi thì cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

(2) Trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục.

Lúc này, lao động nữ sẽ được xem xét hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh trong thời gian từ 05 đến 10 ngày. Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Số ngày nghỉ cụ thể sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng đảm bảo tối đa không quá:

- 10 ngày: Sinh đôi trở lên.

- 07 ngày: Sinh con phải phẫu thuật;

- 05 ngày: Các trường hợp khác.

Với mỗi ngày nghỉ, lao động nữ nhận được số tiền trợ cấp như sau:

Tiền dưỡng sức sau sinh/ngày = 30% x Mức lương cơ sở = 30% x 1,8 triệu đồng = 540.000 đồng/ngày.

Lưu ý: Người lao động đi làm trước hết thời nghỉ thai sản thì sẽ không được nhận tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.


2. Công ty không thanh toán chế độ dưỡng sức sau sinh, phải làm sao?

Theo quy định, thủ tục lấy tiền dưỡng sức sau sinh do phía công ty tự thực hiện bằng cách lập Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (Danh sách 01B-HSB) rồi gửi cho cơ quan BHXH mà không cần thông qua người lao động.

Bởi nguyên nhân này, nhiều công ty đã tự ý lập hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức nhưng sau khi nhận tiền lại không chi trả cho người lao động.

Để kiểm tra xem cơ quan BHXH có từng giải quyết chế độ dưỡng sức cho mình hay không, người lao động chỉ cần truy cập đăng nhập VssID >> Chọn Thông tin hưởng >> Chọn ODTS.

cong ty khong thanh toan tien duong suc

Nếu thấy cơ quan BHXH đã chi trả tiền dưỡng sức từ lâu nhưng công ty vẫn chưa thanh toán cho mình, người lao động có thể đòi lại tiền nhờ một trong 02 cách sau đây:

Cách 1. Khiếu nại.

Căn cứ Điều 119 Luật BHXH năm 2014, trước hết, người lao động phải khiếu nại đến chính người sử dụng lao động.

Nếu phía công ty không giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty thì có thể khiếu nại lần hai đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Lưu ý: Trường hợp công ty đã chấm dứt hoạt động, người lao động khiếu nại luôn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cách 2. Khởi kiện.

Với tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động mà có liên quan đến BHXH, căn cứ khoản 2 Điều 119 Luật BHXH 2014 và điểm d khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động, người lao động có quyền khởi kiện trực tiếp đến Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở.
cong ty khong thanh toan tien duong suc 1


3. Ăn chặn tiền dưỡng sức của nhân viên, công ty bị phạt thế nào?

Theo khoản 4 Điều 21 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả trợ cấp BHXH cho người lao động.

Trường hợp đã nhận tiền trợ cấp từ cơ quan BHXH nhưng không thực hiện chi trả cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi về hành vi chiếm dụng tiền hưởng BHXH của người lao động.

Theo khoản 2 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi này như sau:

2. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động mà người sử dụng lao động đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.

Như vậy, nếu ăn chặn tiền dưỡng sức sau sinh của người lao động, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 18 - 20% tiền dưỡng sức bị chiếm dụng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với mức từ 36 - 40% tiền dưỡng sức bị chiếm dụng nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).

Đồng thời người sử dụng lao động còn buộc phải hoàn trả cho người lao động số tiền dưỡng sức sau sinh đã chiếm dụng cùng với một khoản tiền lãi. Lãi suất được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (theo điểm b khoản 7 Điều 41 Nghị định 12/2022).

Trên đây là hướng dẫn cách đòi lại quyền lợi khi công ty không thanh toán tiền dưỡng sức. Nếu còn vướng mắc về các chế độ bảo hiểm liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

>> Cách tính, cách nhận tiền dưỡng sức sau sinh
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?