Công ty không làm chế độ thai sản, làm gì để đòi lại quyền lợi?

Thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra trường hợp công ty không làm chế độ thai sản khiến người lao động bị mất quyền lợi về bảo hiểm. Lúc này, người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho chính mình?


1. Công ty phải làm bảo hiểm thai sản cho nhân viên khi nào?

Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thủ tục hưởng chế độ thai sản do người lao động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện hoặc do người lao động tự mình thực hiện (nếu người đó đã nghỉ việc trước khi sinh con).

Với quy định này, công ty sẽ phải làm bảo hiểm thai sản cho nhân viên khi người đó quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản.

Đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động bởi khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày.

Sau đó, người sử dụng lao động hoàn thiện nốt hồ sơ giấy tờ rồi gửi toàn bộ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Thời hạn nộp được đặt ra là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động.

Công ty phải làm chế độ thai sản cho nhân viên không?
Công ty phải làm chế độ thai sản cho nhân viên không? (Ảnh minh họa)

2. Công ty không làm chế độ thai sản, tự đi làm thủ tục được không?

Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động chỉ có thể tự làm thủ tục hưởng chế độ thai sản nếu đã nghỉ việc.

Trường hợp vẫn còn hợp đồng lao động với công ty thì thủ tục hưởng chế độ thai sản phải do công ty nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Người lao động chỉ có trách nhiệm phối hợp chuẩn bị hồ sơ để doanh nghiệp có thể nộp đủ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm.

Nếu công ty không làm chế độ thai sản thì người lao động cũng không thể tự mình làm thủ tục hưởng tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Khi người lao động đến nộp hồ sơ, cán bộ bảo hiểm sẽ kiểm tra thông tin trên hệ thống.

Nếu phát hiện người lao động vẫn đang chịu sự quản lý của doanh nghiệp thì họ sẽ trả hồ sơ và hướng dẫn trở lại công ty để yêu cầu làm thủ tục hưởng chế độ thai sản.

Công ty không làm chế độ thai sản, tự đi làm thủ tục được không?
Công ty không làm chế độ thai sản, tự đi làm thủ tục được không? (Ảnh minh họa)

3. Công ty không làm chế độ thai sản, đòi quyền lợi thế nào?

Việc lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Do đó, nếu công ty không làm chế độ thai sản cho nhân viên thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

Cụ thể theo điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tương ứng hành vi không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng thời hạn quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 02 đến 04 triệu đồng/người lao động bị vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Nếu rơi vào trường hợp công ty không làm chế độ thai sản, để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, người lao động có thể thực hiện theo 03 cách sau đây:

Cách 1: Khiếu nại.

Căn cứ Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trước hết, người lao động phải khiếu nại đến chính công ty nơi mình đang làm việc.

Nếu phía công ty không giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của công ty thì người lao động có thể khiếu nại lần hai đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Cách 2: Tố cáo vi phạm đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Hành vi không làm chế độ thai sản cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động nên theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể tố cáo vi phạm đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý vi phạm.

Cách 3: Khởi kiện đến Tòa án nơi công ty đặt trụ sở.

Theo khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và điểm d khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động, tranh chấp về liên quan đến việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được phép khởi kiện trực tiếp đến Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Trên đây là cách xử lý khi công ty không làm chế độ thai sản. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục