Khi sinh con, lao động nữ phải nghỉ làm nên sẽ không có thu nhập mà nhu cầu chi tiêu thì tăng. Do đó, khoản tiền thai sản sẽ phần nào giúp người lao động ổn định cuộc sống. Vậy có thai rồi mới đóng bảo hiểm xã hội có "kịp" hưởng chế độ thai sản?
Mang bầu có được tham gia BHXH bắt buộc để hưởng thai sản?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lao động nữ mang thai cũng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc nếu làm việc theo hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.
Và như vậy, người lao động sẽ được hưởng các chế độ của BHXH, trong đó có chế độ thai sản. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ thai sản, lao động nữ sinh con phải đảm bảo điều kiện tại Điều 31 Luật BHXH năm 2014:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
…
b) Lao động nữ sinh con;...
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Theo đó, lao động nữ mang bầu chỉ cần tham gia BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh, thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Xem thêm: Điều kiện hưởng chế độ thai sản năm 2021
Phát hiện mang thai cần sớm đóng BHXH để kịp hưởng thai sản
Như đã phân tích, người lao động mang bầu rồi mới tham gia BHXH chỉ cần đóng từ đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Do đó, lao động nữ khi phát hiện mình có thai cần sớm tham gia BHXH bắt buộc để kịp đóng đủ 06 tháng trở lên trước khi sinh con.
Vì vậy, để được đảm bảo giải quyết chế độ thai sản, lao động nữ đã mang bầu cần đóng BHXH càng sớm càng tốt để có nhiều thời gian đóng BHXH.
Có thai rồi mới đóng BHXH có được hưởng thai sản? (Ảnh minh họa)
Quyền lợi chế độ thai sản dành cho lao động nữ
Căn cứ Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con sẽ được hưởng các quyền sau:
Được nghỉ làm hưởng chế độ thai sản
Theo khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.Trợ cấp 01 lần khi sinh con
Lao động nữ sinh con thì được trợ cấp 01 lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng người này sinh con. Cụ thể:
Trợ cấp 01 lần khi sinh/con = 2 x 1,8 triệu đồng = 3,6 triệu đồng
Căn cứ: Điều 38 Luật BHXH năm 2014
Tiền chế độ thai sản
Lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Trong thời gian này, số tiền chế độ thai sản mà lao động nữ được hưởng được tính theo công thức sau:
Mức hưởng hàng tháng | = | 100% | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng thai sản |
Căn cứ: Điều 39 Luật BHXH năm 2014
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính tiền thai sản chuẩn nhất
Nói tóm lại, lao động nữ mang thai rồi mới đóng BHXH vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đến khi sinh con đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên. Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đọc đã tự giải đáp được câu hỏi: Có thai rồi mới đóng BHXH có được hưởng chế độ thai sản? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.
>> Chế độ thai sản: Quyền lợi cần biết khi sinh con năm 2021