Hiện nay, bảo hiểm xã hội (BHXH) được Nhà nước tổ chức theo 02 loại hình: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trường hợp người lao động chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang tự nguyện?
1. Trường hợp nào được chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện?
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
- Không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, người lao động chỉ được chuyển từ BHXH bắt buộc sang đóng BHXH tự nguyện khi không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Còn nếu vẫn đang thuộc các trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì dù có nhu cầu, người lao động cũng không được chuyển sang đóng BHXH tự nguyện.
2. Thủ tục chuyển sang đóng BHXH tự nguyện thế nào?
Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH, để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
Người lao động có thể tự tải về và điền hoặc đến nơi nộp hồ sơ xin mẫu này rồi điền.
Bước 2: Nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH.
Nơi tham gia BHXH tự nguyện: Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH tại nơi mình cư trú.
Người lao động có thể dễ dàng tra cứu địa chỉ đại lý thu gần nơi mình ở tại tại đây.
Người lao động có thể chọn đóng bảo hiểm hằng tháng, 03 tháng/lần, 06 tháng/lần,…
Mức đóng hằng tháng | = | 22% | x | Mức thu nhập mà người lao động chọn đóng | - | Số tiền nhà nước hỗ trợ đóng |
Lưu ý: Người lao động trước đó tham gia BHXH bắt buộc đã được cấp sổ BHXH nên khi chuyển sang đóng BHXH tự nguyện thì cơ quan BHXH tiếp tục ghi nhận thời gian đóng tại chính sổ BHXH đã cấp.
Xem thêm: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào?
3. Chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện, quyền lợi có ảnh hưởng?
Cùng là BHXH do Nhà nước tổ chức nhưng các chế độ của BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện lại có sự khác biệt nhất định. Cụ thể khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật BHXH năm 2014 đã nêu rõ:
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
Có thể thấy, quyền lợi về BHXH tự nguyện chỉ gồm chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, ngoài hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH bắt buộc còn được hưởng cả chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đủ điều kiện.
Như vậy, khi chuyển từ BHXH bắt buộc sang BHXH tự nguyện, người lao động sẽ giảm bớt chế độ hưởng.
Tuy nhiên, việc tham gia BHXH tự nguyện sau khi nghỉ việc lại là giải pháp hữu hiệu giúp người lao động có chỗ dựa kinh tế khi về già là lương hưu. Bởi thời gian đóng BHXH tự nguyện sẽ được cộng nối tiếp vào thời gian đóng BHXH để tính hưởng hương lưu và chế độ tử tuất.
Nội dung này được ghi nhận tại khoản 3 Điều 5 Luật BHXH 2014 như sau:
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Do đó, nếu chuyển đóng từ BHXH bắt buộc sang tự nguyện, người lao động sẽ không còn được hưởng chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng lại được cộng nối thời gian để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Trên đây là thông tin liên quan đến vấn đề chuyển đóng bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện. Nếu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Những thông tin quan trọng cần biết>> Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thế nào để hưởng lương hưu?
>> Nên mua BHXH tự nguyện hay bảo hiểm nhân thọ?