Từ ngày 01/7/2021, có một số chính sách, quy định mới liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Nội dung chi tiết được đề cập trong bài viết dưới đây.
Người lao động tạm dừng đóng 6 tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất
Theo quy định, hằng tháng, người lao động đang phải đóng bảo hiểm với các mức như sau:
- 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất
- 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp
- 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế
(Tỷ lệ đóng trên tính trên mức tiền lương tháng của người lao động)
Tuy nhiên, theo điểm 2, mục II của Nghị quyết 68/NQ-CP áp dụng từ ngày 01/7/2021, nhằm giảm bớt khó khăn do Covid-19 gây ra, Chính phủ thống nhất tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với người lao động như sau:
- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng
- Trường hợp đã tạm dừng theo Nghị quyết 42 năm 2020 và Nghị quyết 154 năm 2020 thì vẫn được tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng tổng thời gian tạm dừng không quá 12 tháng.
Tuy nhiên, để được tạm dừng đóng, người lao động phải đáp ứng điều kiện: Đang làm việc trong doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19 mà phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với tháng 04/2021.
Doanh nghiệp đóng 0% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo quy định, thông thường hằng tháng, người sử dụng lao động đang phải đóng bảo hiểm với các mức cụ thể như sau:
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất,
- 3% vào quỹ ốm đau thai sản,
- 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
- 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp
- 3% vào quỹ bảo hiểm y tế
(Tỷ lệ trên tính trên Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội)
Nghị quyết 68 dành khá nhiều chính sách hỗ trợ về BHXH cho người sử dụng lao động. Cụ thể, tại điểm 1 Mục II, người sử dụng lao động được:
Áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tức là, từ ngày 01/7/2021 đến hết 30/6/2022, người sử dụng lao động không phải đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong khi trước đó phải đóng 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ này.
* Lưu ý: Quyền lợi trên không áp dụng đối với người sử dụng lao động của cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Tại điểm 2 Mục II, người sử dụng lao động còn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng tương tự như người lao động.
Điều kiện để được áp dụng chính sách trên là người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của Covid-19 mà phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với tháng 04/2021.
Người lao động được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH cùng lúc
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 1806/BHXH-TCKT, trong đó nêu rõ, sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp tháng 7 và tháng 8 cùng một kỳ chi trả.
Tức là, ngay trong đầu tháng 7, người lao động sẽ được nhận luôn lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp của tháng 7 và tháng 8. Chính sách này được áp dụng nhằm giảm tình trạng tập trung đông người, phòng chống dịch Covid-19.
Đây là lần thứ 3 BHXH Việt Nam gộp chi trả hai tháng lương hưu, trợ cấp BHXH cho các đối tượng được hưởng. Trước đó, BHXH Việt Nam gộp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 3, tháng 4/2021 và tháng 5, tháng 6/2021.
Trên đây là 03 chính sách mới về bảo hiểm xã hội từ 01/7/2021. Nếu có băn khoăn về các chính sách này, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.
Quyền lợi BHXH của bạn thay đổi thế nào từ 01/7/2021 (Bản Video - LuatVietnam)
>> 5 chính sách mới về bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ 01/7/2021