Chính sách mới về bảo hiểm thất nghiệp từ 01/10/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo Nghị quyết này, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã có một số thay đổi.

1. Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động

Nghị quyết 116 quy định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết, người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian được giảm trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022.

Chính sách này không áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.

Như vậy, người sử dụng lao động từ ngày 01/10/2021 sẽ chỉ còn phải đóng tổng 20% vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Trong đó: 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 3% vào quỹ bảo hiểm y tế.

Riêng người sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP thì chỉ còn phải đóng tổng 6% (3% vào quỹ ốm đau, thải sản và 3% vào quỹ bảo hiểm y tế).
chinh sach moi ve bao hiem that nghiep


2. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được nhận tiền hỗ trợ

Nghị quyết này chỉ rõ, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng được nhận là những người lao động thuộc một trong hai trường hợp:

+ Đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên);

+ Đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời gian từ 01/01/2020 - 30/9/2021, có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu (không bao gồm người đang hưởng lương hưu hàng tháng).

Mức hỗ trợ dựa trên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng, mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng 1 người

- Thời gian đóng từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.

- Thời gian từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

Như vậy, mức hỗ trợ cao nhât là 3,3 triệu đồng sẽ dành cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 11 năm mà chưa được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Tổng kinh phí cho việc hỗ trợ này là khoảng 30 nghìn tỷ đồng.

Thời gian thực hiện từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Trên đây là những chính sách mới về bảo hiểm thất nghiệp từ 01/10/2021 theo Nghị quyết 116 vừa được Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, Nghị quyết này mới chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động. Trình tự, thủ tục để được nhận hỗ trợ không được đề cập cụ thể tại Nghị quyết này, mà sẽ được quy định trong Quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành trong một vài ngày tới.

LuatVietnam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có Quyết định của Thủ tướng. Nếu có thắc mắc liên quan đến chính sách tại Nghị quyết 116, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.  

Chính sách mới về bảo hiểm thất nghiệp từ 01/10/2021

>> Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?